Giúp học sinh khuyết tật kinh doanh

17/03/2012 03:05 GMT+7

Nhóm sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 đã trở thành giáo viên dạy trẻ khiếm thính và chậm phát triển biết làm các sản phẩm trang trí từ đất sét qua dự án Hand of Treasure - HOT.

Nhóm sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 đã trở thành giáo viên dạy trẻ khiếm thính và chậm phát triển biết làm các sản phẩm trang trí từ đất sét qua dự án Hand of Treasure - HOT.

Nhóm bạn trẻ này sử dụng các kiến thức học được trên giảng đường áp dụng vào thực tiễn, giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh doanh nhằm tạo ra một sự thay đổi tích cực trong cộng đồng. Mục tiêu của dự án HOT hướng đến trẻ em có số phận thiệt thòi. Ý tưởng hình thành đầu năm 2011, bắt nguồn từ xu hướng thị trường đang ưa chuộng các sản phẩm được làm bằng tay, trong đó sản phẩm thủ công nguyên liệu là đất sét còn rất hiếm.

Gần 1 năm, tất cả các thành viên sau giờ học đều dồn tâm sức vào công việc, mỗi người phụ trách một khâu như tìm nhà tài trợ, khảo sát, tìm hiểu nguyên vật liệu, học cách thực hiện sản phẩm… Với nguồn tài trợ 4 triệu đồng của một nhà hảo tâm, dự án HOT chính thức được thực hiện. Từ hướng dẫn của một nghệ nhân chuyên nặn đất sét, các thành viên bắt tay vào học các thao tác, cách thức pha màu, dán keo…

 
Phùng Tấn Hoàng - Trưởng dự án đang dạy học sinh Trường chuyên biệt Hy Vọng nặn đất sét - Ảnh: Phùng Tấn 

Khi đã thành thạo, tháng 1.2012, họ đến với Trường giáo dục chuyên biệt Hy Vọng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) để thực hiện dự án. Theo Phùng Tấn Hoàng - Trưởng dự án cho biết: "Các em ở trường nằm trong độ tuổi 4-14, đều là trẻ khiếm thính hoặc chậm phát triển. Mục tiêu dự án là dạy cho các em biết làm các sản phẩm đơn giản, phù hợp với khả năng như con thú, rau củ, bánh kẹo…".

Đã hơn 2 tháng trôi qua, mỗi tuần 2 buổi, vừa sưu tầm các hình mẫu ngộ nghĩnh, nhóm bạn trẻ này lại đạp xe xuống trường Hy Vọng để cùng nặn đất sét với các em. Phạm Thị Thu Hiền - thành viên của nhóm kể: "Từ những buổi đầu chậm chạp, không sản phẩm nào đạt yêu cầu, đến nay các em đã làm được hơn 100 sản phẩm đẹp có thể sử dụng để trang trí trong gia đình, trang trí trên các đồ vật cầm tay, làm móc treo chìa khóa...".

Còn Phùng Tấn Hoàng không thể quên được những khó khăn trong thời gian đầu khởi động dự án. Hoàng kể lại: "Vì trẻ khiếm thính, chậm phát triển nên giao tiếp đều thông qua cử chỉ, hành động, đặc biệt các em rất hiếu động, ít tập trung. Vì thế mỗi thành viên không chỉ học cách giao tiếp mà còn nhẫn nại trong hướng dẫn để dần dần thu hút các em".


Các sản phẩm mà học sinh Trường chuyên biệt Hy Vọng thực hiện - Ảnh: Phùng Tấn 

Không chỉ dừng lại ở mục đích dạy trẻ biết làm sản phẩm mà ngay khi xây dựng ý tưởng, các thành viên này đã tính đến việc gây dựng một cơ sở sản xuất và tìm hướng ra cho các sản phẩm hoàn thiện. Để mọi người biết đến sản phẩm của học trò mình, nhóm đã thiết kế một website mà ngay chính tên gọi đã ẩn chứa những hy vọng cho tương lai của trẻ khuyết tật - www.datsethivong.com. Ở đây cập nhật các sản phẩm do các em làm được. Nhóm cũng lần lượt chia khu vực, mỗi người một nơi cùng nhau tiếp thị sản phẩm đến các cửa hàng quà lưu niệm.

Trong quá trình tìm kiếm thị trường tiêu thụ, các thành viên kết hợp khảo sát mức độ yêu thích cũng như sở thích tiêu dùng để từng bước chỉnh sửa sản phẩm. Hà Trần Ánh Phương (thành viên) cho biết: "Đã có 2 cửa hàng lưu niệm đồng ý tiêu thụ các sản phẩm của học sinh trường Hy Vọng".

Chia sẻ về hướng đi sắp tới của nhóm, Tấn Hoàng mạnh dạn: "Khi sản phẩm đã có sức hút với thị trường, kinh phí dự án sẽ được dùng để vừa duy trì lớp học tại trường Hy Vọng, vừa mở lớp ở các trường chuyên biệt khác".  

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.