Giáo dục giới tính học đường: Lá chắn phòng tránh xâm hại tình dục

Thúy Hằng
Thúy Hằng
09/05/2024 07:02 GMT+7

Giáo dục giới tính trong trường học khi thực hiện hiệu quả, thiết thực sẽ là những tấm lá chắn vững vàng giúp học sinh phòng tránh bị xâm hại tình dục, bảo vệ được bản thân và những người xung quanh.

Trong những buổi đến các trường học nói chuyện với học sinh (HS) về giới tính, phòng tránh bị xâm hại, phòng chống bạo lực học đường… luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, có quan điểm nói thẳng, nói thật, không vòng vo.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cùng các học sinh ở TP.HCM trong một buổi tư vấn, giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cùng các học sinh ở TP.HCM trong một buổi tư vấn, giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại

NVCC

"Thời gian qua, nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục nhỏ tuổi quá, nhiều em là HS tiểu học, THCS, kẻ xâm hại các em có khi cũng là HS dưới 18 tuổi. Khi ra cơ quan điều tra thì nhiều HS nói không biết, không được dạy khi thực hiện hành vi đó là phạm tội. Rất nhiều vụ việc đau lòng khi HS quan hệ tình dục sớm, mang thai ở tuổi 12, 13. Hay có những vụ các em nữ trong độ tuổi HS bị chính những người thân quen, kề cận thực hiện hành vi đồi bại", luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói.

Do đó, luật sư Nữ khẳng định: "Gia đình, nhà trường, xã hội phải phối hợp chặt chẽ với nhau để tuyên truyền giáo dục giới tính (GDGT), bình đẳng giới, thực hiện các phiên tòa giả định… để răn đe, giáo dục cho các em, tuyên truyền luật Trẻ em 2016 tới rộng rãi trẻ em". Theo luật sư Nữ, luật Trẻ em 2016 nêu 3 cấp độ của bảo vệ trẻ em là phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp nhưng điều quan trọng nhất đó chính là "phòng ngừa". Nhà trường hoàn toàn có thể giúp HS phòng ngừa các vấn đề bạo hành, xâm hại, ấu dâm… trong các buổi hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt dưới cờ để tuyên truyền GDGT. Đặc biệt là sắp tới HS nghỉ hè, các em sẽ không đến trường mà sẽ sinh hoạt ở quê quán, gia đình, các em có thể tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm… thì GDGT càng cần thiết.

"GDGT cần thực hiện theo độ tuổi HS. Chúng ta cần nhấn mạnh với các HS không được làm những gì pháp luật không cho phép. Luật Hôn nhân gia đình cũng nêu rõ độ tuổi được phép kết hôn, được phép làm giấy đăng ký kết hôn của nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên, nam là từ đủ 20 tuổi trở lên. Điều này nhiều HS chưa nắm vững, các em cứ nghĩ là nam - nữ chỉ cần cả hai 18 tuổi là kết hôn được. Hay có những em còn nghĩ là bạn trai 15 tuổi mà thuận tình quan hệ tình dục với bạn nữ 12, 13 tuổi thì không vi phạm pháp luật gì cả", luật sư Nữ nói.

"Đi đâu GDGT cho HS tôi cũng nhấn mạnh: các em phải biết cơ thể mình là của mình, mình phải biết bảo vệ, không một ai được xâm phạm cơ thể mình, không được quyền xúc phạm danh dự nhân phẩm mình. Tôi hướng dẫn các em quy tắc 5 ngón tay, ai thì được phép ôm các em; ai được phép bắt tay; ai được phép vẫy tay còn ai các em phải tránh xa. Tôi cũng đưa ra 3 nguyên tắc để các em có thể tự bảo vệ bản thân. Thứ nhất, cơ thể của con là của con, không ai được xâm phạm. Thứ hai, gặp người quen hay lạ, các con cũng đứng cách xa 1 m. Vì sao phải là 1 m, bởi cơ thể của con là của con, rất nhiều vụ việc trẻ bị xâm hại bởi chính người quen, người tưởng như an toàn ở xung quanh. Thứ ba, ở một mình nơi vắng vẻ hay nhận thấy nguy cơ mất an toàn, các con hãy la thật lớn để người khác tới cứu giúp".

Trong các buổi tư vấn, luật sư Nữ cũng thẳng thắn nêu việc nhiều HS quan hệ tình dục sớm, mang thai ngoài ý muốn rồi nạo phá thai nhiều lần dẫn đến bị vô sinh, sau này không thể sinh sản được nữa. Không chỉ vậy, quan hệ tình dục ở độ tuổi HS gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc cả về sức khỏe thể chất, tinh thần, nhiều em đã lỡ dở hết tương lai vì phải làm mẹ ở tuổi 13, 14 hay vướng vòng lao lý…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.