Gia Lai xơ xác vì hạn hán

28/04/2024 17:17 GMT+7

Trong nhiều tháng qua tại Gia Lai không có mưa. Hạn hán đang diễn ra theo chiều hướng tiêu cực, khốc liệt. Hiện nhiều sông, suối, hồ đập đã khô cạn dẫn đến khó khăn về nguồn nước tưới, sinh hoạt.

Tình trạng hạn hán khắc nghiệt kéo dài đã ảnh hưởng đến nhiều địa phương của Gia Lai. Hơn một tháng qua, thời tiết nắng nóng đã khiến nền nhiệt tại TP.Pleiku và các vùng phụ cận tăng lên. Đây cũng là năm đầu tiên TP.Pleiku có nhiệt độ tăng cao so với mức trung bình hằng năm, tính từ khoảng 20 năm trở lại đây.

Xót xa nhìn cây khô héo 

Gia Lai là một trong các tỉnh có diện tích cây trồng các loại lớn, với các loại cây như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chanh dây… và các loại cây ăn quả khác. Những loại cây này đòi hỏi lượng nước tưới không nhỏ, hạn hán kéo dài trong những tháng qua khiến nguồn nước tưới ở Gia Lai bị sụt giảm, thiếu hụt nghiêm trọng. Người dân đã phải tìm kiếm nhân công nạo giếng, vét hồ tìm nước tưới.

Thời điểm này, những người làm công việc khoan giếng ở Gia Lai làm không hết việc, đành phải từ chối nhiều người gọi hỏi khoan giếng. Đặc biệt, nguồn nước ngầm ở Gia Lai cũng như các tỉnh Tây nguyên bị sụt giảm đang là nỗi lo lớn.

Cà phê rũ lá, cháy lá vì không có nước tưới

Cà phê rũ lá, cháy lá vì không có nước tưới

TRẦN HIẾU

Điêu đứng vì thiếu nước tưới, nông dân bất lực nhìn vườn cà phê héo úa

Huyện biên giới Đức Cơ đang phải đối mặt với nắng hạn gay gắt. Cảnh đồng khô ruộng khát, cây cối tiêu điều đang là thực trạng ở đây. Trong số này, nhiều diện tích cà phê đang đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng. Một số diện tích cà phê không có nước tưới đang bị khô cháy trong sự xót xa, bất lực của người dân.

Anh Rơ Mah Glil (ở làng Kluh Yeh, xã Ia Lang, H.Đức Cơ) chán nản: "Hơn 1 ha cà phê của mình cây thì khô cháy, cây thì héo lá vì không có nước tưới. Chỉ thời gian ngắn nữa không có mưa thì số cà phê này xem như bỏ thôi. Nhiều người khác cũng trong tình cảnh như mình. Một số người bỏ tiền ra khoan giếng nhưng cũng không có nước".

Hiện Gia Lai có trên dưới 100.000 ha cà phê. Và với giá cà phê tăng chóng mặt trong niên vụ vừa qua, có xu hướng người dân quay lại mở rộng diện tích đối với loại cây này. Song với tình hình khô hạn khắc nghiệt và diễn biến thời tiết bất thường, khó lường, thì bài toán nước tưới đang là vấn đề nan giải. Dự báo sản lượng cà phê của Gia Lai niên vụ này sẽ sụt giảm do hạn hán.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỉ đồng, với hơn 379 ha cây trồng các loại bị thiệt hại. Nếu trong thời gian ngắn sắp tới không có mưa, diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán sẽ tăng nhanh do thiếu nước tưới.

Ngoài ra, Gia Lai hiện có khoảng 500.000 con trâu, bò các loại đòi hỏi lượng nước, thức ăn lớn. Với tình trạng khô hạn như hiện nay, tình trạng thiếu thức ăn cũng xảy ra khiến người dân khổ càng thêm khổ.

Cần đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm

Thực trạng hạn hán nêu trên đặt ra vấn đề phải tìm những giải pháp lâu dài để đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết đang ngày càng có xu hướng cực đoan. Theo thống kê của ngành nông nghiệp Gia Lai, hiện toàn tỉnh có hơn 44.000 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, gồm hơn 12.500 ha cà phê, 10.400 ha cây ăn quả, 2.400 ha hồ tiêu...

Trong đó, diện tích do người dân tự đầu tư là hơn 33.200 ha, doanh nghiệp hơn 9.000 ha và nhà nước đầu tư hơn 140 ha. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước còn thấp do chi phí đầu tư hệ thống tưới này khá cao, bình quân 30 - 40 triệu đồng/ha.

Nhiều sông suối ở Gia Lai đang khô cạn

Nhiều sông suối ở Gia Lai đang khô cạn

TRẦN HIẾU

Thực tế, phương pháp tưới tiết kiệm giảm lượng nước tưới rất lớn so với tưới tràn truyền thống, từ đó giảm áp lực khai thác nguồn nước ngầm và tiết kiệm nước trong cả mùa khô cao nguyên. Đây cũng là phương pháp hiệu quả nhằm phục hồi hệ sinh thái ở các vùng đất bị hạn hán, xói mòn và đang có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa.

Qua khảo sát, việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp tăng năng suất cây trồng trung bình từ 10 - 30%, giảm 20 - 50% chi phí công lao động, tiết kiệm từ 20 - 40% lượng nước so với phương thức tưới truyền thống. Việc bón phân qua hệ thống tưới còn giúp giảm từ 10 - 30% lượng phân bón, hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình canh tác.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết những năm gần đây, nhiều nông dân, doanh nghiệp ở Gia Lai đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán. Tuy nhiên, diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm vẫn còn rất hạn chế so với diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

"Chúng tôi sẽ tham mưu các cấp về chính sách hỗ trợ tưới tiết kiệm, hỗ trợ chuyển đổi số... Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh Gia Lai sẽ có 120.000 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước", ông Nghĩa nói.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.