Dưới tấm quang năng: Phơi nắng ra tiền

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
03/03/2022 05:46 GMT+7

Việc những tấm quang năng phủ nhiều nơi ở Ninh Sơn không làm người dân nghi ngại, ngược lại đó còn là hướng phát triển 'thuận thiên' và 'phơi nắng ra tiền'.

Theo nhiều nghiên cứu, đất đai ở dưới tấm quang năng sẽ bị sa mạc hóa sau khoảng từ 20 - 30 năm nhà máy điện năng lượng mặt trời vận hành. Vì lẽ đó, nhiều nhà đầu tư phát triển những mô hình tận dụng phần đất này để kết hợp làm nông nghiệp.

Đây là mô hình APV - sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác điện mặt trời. Từ đó, có thể sản xuất điện, sản xuất nông nghiệp và không nhất thiết phải thu hồi đất.

Thời tiết vào mùa nắng ở H.Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) khiến tôi nhiều lần cảm thán: “Người còn muốn bốc hơi, huống chi cây cối!”.

Tuy Ninh Sơn không phải là vùng “dê ăn đá, cừu ăn sỏi” duy nhất ở Ninh Thuận, nhưng nơi đây cực kỳ khô hạn. Có lẽ vì vậy, việc những tấm quang năng phủ nhiều nơi ở địa phương này không làm người dân nghi ngại, ngược lại đó còn là hướng phát triển “thuận thiên” và “phơi nắng ra tiền”.

Kỹ sư nông nghiệp Uyên Trinh (trái) đang làm tại nhà máy kết hợp điện mặt trời và nông nghiệp công nghệ cao

PHẠM THU NGÂN

Xoay trở chống nguy cơ “sa mạc hóa”

Xuyên qua bụi cát vào thôn Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn (H.Ninh Sơn), tôi đến nhà máy điện mặt trời của ông Trần Anh Đông. Nhà máy này được lắp đặt năm 2019, có tổng diện tích 1 ha, công suất 1 MWp, chia thành 5 dãy chính, tứ bề sỏi cát.

Dãy chính vào nhà máy được rào lưới, dưới những tán quang năng được dựng cách mặt đất chừng 5 m là các chậu cây được trồng dưới dạng thủy canh như hành, nha đam, xương rồng, rau mầm... Ngoài ra, nơi đây còn trồng loại ớt Aji Charapita vốn được biết đến là giống ớt đắt nhất thế giới. Ngoài nhà máy điện mặt trời kết hợp trồng trọt này, ông Đông còn có nhà máy điện kết hợp nuôi cừu tại H.Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận).

Điện mặt trời mới phát triển mạnh tại VN kể từ sau năm 2017 khi Thủ tướng có quyết định về cơ chế khuyến khích năng lượng sạch. Tuy nhiên, việc kết hợp lĩnh vực này với nông nghiệp công nghệ cao mới chỉ được nghiên cứu, thử nghiệm khoảng 3 năm nay. Khi dẫn chúng tôi mục sở thị nhà máy, ông Đông chia sẻ ban đầu khi bắt đầu triển khai thực hiện mô hình này, mọi thứ rất mới mẻ và mơ hồ, tư liệu về nó rất ít ỏi. Nhưng ông rất có niềm tin.

Theo ông Đông, một nhà máy điện mặt trời với công suất 1 MWp cần 1 - 1,5 ha đất. Suy ra, một nhà máy điện công suất 50 MWp sẽ chiếm khoảng 50 - 75 ha đất. Điều đáng nói, đất nông nghiệp là đối tượng chủ yếu được quy hoạch làm năng lượng tái tạo. Nếu theo phép tính trên thì sẽ thu hồi đất rất lớn. Chưa kể, đất dưới tấm năng lượng sẽ bị sa mạc hóa sau 20 - 30 năm nhà máy vận hành.

“Điều này có nghĩa, nếu người dân thành phố sử dụng năng lượng sạch, người dân dưới quê có thể bị mất đất canh tác, mất luôn sinh kế trước giờ của mình. Vậy thì quá trình chuyển dịch ấy chưa công bằng, bền vững”, ông Đông nói và giới thiệu thêm mô hình: “Để trồng trọt bên dưới thì phải làm nhà cao lên. Tuy nhiên, cây cần ánh sáng để quang hợp, nên sau đó chúng tôi học hỏi và biết cách tách các tấm pin ra, tạo khe sáng để ánh sáng mặt trời lọt qua. Nhưng nếu kết hợp năng lượng mặt trời với chăn nuôi thì khả thi hơn. Thông thường, hệ thống đặt cách mặt đất khoảng 5 m có thể chăn nuôi các loại động vật có giá trị kinh tế cao như bò, dê, cừu”.

Chị Nguyễn Ngọc Uyên Trinh, kỹ sư nông nghiệp tại nhà máy này, cũng nhận định mô hình APV là một thách thức đáng kể, bởi làm nông nghiệp tại địa phương đã khó khăn vì thời tiết, đất đai, nguồn nước..., thì bây giờ làm nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều vất vả hơn.

“Dưới các tấm quang năng, cây trồng bị thiếu ánh sáng. Vậy nên nếu ứng dụng kết hợp trồng trọt thì nên hướng các loại cây không cần nhiều ánh sáng như rau mầm, nấm. Nếu sau một thời gian thử nghiệm, chứng minh kết quả, mô hình này hoàn toàn có thể được ứng dụng, người dân địa phương hoàn toàn có thể góp vốn, giống cho nhà máy hoặc tự ứng dụng cho trang trại của mình”, kỹ sư Trinh nói.

Ông Trần Anh Đông thử nghiệm việc trồng hành, rau mầm dưới hệ thống các tấm quang năng

PHẠM THU NGÂN

Phương cách lợi cả đôi đường

Ông Trần Anh Đông cũng cho biết phát triển mô hình APV sẽ cho ra lợi ích kép. Thứ nhất, làm trên cùng một khu đất mà không nhất thiết phải thu hồi đất. Thứ hai, kết hợp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản rất phù hợp; riêng với trồng trọt, góp phần giảm chi phí như khi làm nhà kính hay nhà màng...

“Điều đáng nói, mô hình này cũng thích hợp với nông hộ, nhất là khi triển khai trên miếng đất khoảng 1.000 m2. Chúng tôi cũng giả định, nếu trích 1% diện tích đất trồng trọt cả nước làm mô hình APV thì bên cạnh việc cho ra công suất điện mặt trời 100 GWp, sẽ còn tạo ra hàng trăm ngàn việc làm xanh khác mà không làm mất đất nông nghiệp, không đánh đổi việc làm năng lượng sạch với sinh kế của người dân”, ông Đông chia sẻ.

Tại buổi hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Xây dựng tương lai công bằng ở VN bằng năng lượng mặt trời” do Viện Năng lượng (Bộ Công thương) tổ chức vào tháng 3.2021, TS Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia về năng lượng, nhấn mạnh hiệu quả nhãn tiền nhất từ mô hình APV là lợi ích “kép” khi có thể sản xuất điện, mà không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp hay việc thu hồi đất, tránh những hệ lụy liên quan đến quá trình minh bạch, công bằng khi giải quyết đền bù đất cho người dân. Đồng thời, nếu kết hợp điện mặt trời với trồng trọt thì những loại cây trồng có khả năng chịu bóng cao, trung bình như cải bắp, húng, tía tô, cà rốt... sẽ cho doanh thu cao.

Cừu được nuôi dưới nhà máy điện mặt trời

NGỌC HUY

Tuy nhiên, mô hình APV hiện gặp thách thức là cần đầu tư nhiều vốn hơn, lắp ít tấm pin hơn (công suất đạt 0,33 - 0,67 MWp/ha so với 1 MWp/ha ở các trang trại điện mặt trời thông thường).

TS Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu (Tổ chức Oxfam), đánh giá mô hình APV chưa là một sản phẩm hoàn hảo hay một hệ thống đã triển khai rộng rãi, nhưng là một cơ hội lớn.

“Đa số các nhà máy đang làm theo hướng phủ kín. Chủ đầu tư xem việc bán điện đã đủ lời nên không nhất thiết phải làm thêm các hạ tầng dịch vụ hay mô hình sinh kế kết hợp ở phần đất phía dưới mái. Mô hình này cần thời gian thử nghiệm và cho kết quả”, ông Huy nói.

Với câu hỏi: “Liệu người dân sẽ được hưởng lợi gì từ mô hình APV?”, ông Huy cho rằng điều đó phụ thuộc vào sự chia sẻ nguồn tài nguyên giữa các công ty năng lượng, nhà đầu tư và người dân địa phương. “Chính vì vậy đòi hỏi cơ chế hợp tác và có sự bảo lãnh của bên thứ ba như chính quyền địa phương, pháp luật... để đảm bảo người dân được chia sẻ nguồn tài nguyên đất dưới những tấm quang năng. Ngoài ra, chính người dân nếu được tạo điều kiện tiếp cận được với công nghệ kỹ thuật, chính sách và tài chính thì hoàn toàn có thể tự làm trên đất của họ”, ông Huy nói thêm. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.