Nhà quê hút khách

12/05/2013 04:00 GMT+7

Không phải điểm du lịch và cũng chẳng được đầu tư hoành tráng gì, đây chỉ là mô hình làm kinh tế bình thường của 2 gia đình nông dân ở huyện thuần nông Lâm Hà (Lâm Đồng), nhưng mỗi năm lại “hút” hàng chục ngàn lượt du khách quốc tế ghé thăm.

Cho đến bây giờ, dù đã 3, 4 năm trôi qua, nhưng Nguyễn Quang Huy (29 tuổi, thôn 2, xã Mê Linh, H.Lâm Hà) vẫn còn cảm thấy bất ngờ khi hằng ngày nhà mình mở cửa đón khách Tây còn bản thân tự dưng trở thành “hướng dẫn viên chuyên nghiệp” giới thiệu khách thăm trại nuôi dế. Huy bất ngờ bởi đây không phải là mục đích công việc mà ban đầu Huy hướng đến, nhưng bây giờ lại làm việc hướng dẫn này hằng ngày.

Dế lôi kéo tây

Mọi thứ đến với Nguyễn Quang Huy đều bất ngờ. Chỉ vì gia cảnh túng thiếu, mới ngày nào Huy phải ngậm ngùi rời giảng đường đại học giữa chừng để về phụ giúp bố mẹ làm vườn thì nay đã trở thành ông chủ của trại dế đầu tiên ở đất Lâm Đồng. Thương hiệu “Huy dế” với trang trại nuôi dế Thiện An đã được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Từ hai bàn tay trắng, mày mò và dùng thau nuôi vài ký dế ban đầu, nay trại dế của Huy có diện tích khoảng 200 m2, nuôi hàng trăm ký dế, mỗi ngày xuất bán khoảng 3 kg dế thịt (giá 200.000 đồng/kg).


Gianloigi Cammillebi và Vita Lotito uống thử rượu ngay tại bếp 

 
Xe mô tô là phương tiện thường được du khách quốc tế chọn để đến các làng quê - Ảnh: G.B

Huy tâm sự: “Năm 2006, chỉ vô tình nuôi chơi nhưng không ngờ con dế bé nhỏ, dễ nuôi ấy lại gắn luôn với đời mình và giúp mình phát triển kinh tế gia đình. Tưởng rằng mình sẽ tập trung vào việc nuôi dế thương phẩm này, nhưng ai ngờ mấy năm qua, cũng từ việc nuôi dế mình lại có thêm nghề mới là hướng dẫn viên du lịch”. Huy nhớ cách đây khoảng chừng 3, 4 năm, tự nhiên anh thấy mấy người Việt cùng mấy người khách Tây đi xe gắn máy ghé lại trại dế của mình nói là cho coi thử. “Họ vào xem và mấy người khách Tây tỏ vẻ rất thích thú, họ hỏi đủ thứ. Mình phải trả lời rất nhiều, rồi giới thiệu với họ quy trình nuôi dế, dế làm thực phẩm ra sao, sau đó còn làm món dế xào mời họ dùng thử trước khi ra về. Liên tiếp những ngày sau, nhiều khách Tây đến thăm và cũng hỏi về dế, mình lại trả lời và hướng dẫn, rồi cứ thế nhà mình làm du lịch lúc nào cũng không hay”, Huy cho biết. Từ thời điểm ấy đến nay, bình quân mỗi ngày có khoảng ba bốn chục du khách nước ngoài đến tham quan trại dế Thiện An. Lần nào cũng vậy, khi khách đến thăm, gia đình Huy đều chế biến món dế xào cho họ thưởng thức và mỗi người hỗ trợ lại 5.000 đồng.     

Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Nhật Đông (TP.Đà Lạt), người liên tục đưa khách nước ngoài đến trại dế Thiện An, chia sẻ: “Mấy năm trước tình cờ tôi phát hiện trại nuôi dế của Huy nên đưa khách nước ngoài vào thăm, ban đầu là khách lẻ, sau này là khách đoàn, mỗi năm tôi đưa khoảng vài ngàn lượt khách vào đây. Khách nước ngoài đến thăm đều rất thích mô hình này, họ thích tìm hiểu những mô hình làm ăn của những nông dân ở vùng nông thôn như thế này”.

Tự nhiên như người nhà

Cách trại dế Thiện An chừng 1 km, lò nấu rượu gạo Kiết Tường và cũng là nơi sản xuất, chế biến cà phê chồn của gia đình ông Nguyễn Văn Lộc (58 tuổi) trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế. Ông Lộc kể: “Gia đình tôi sinh sống bằng việc làm cà phê và nấu rượu cả mấy chục năm nay. Vào năm 2005, tình cờ mấy anh hướng dẫn viên chở khách Tây bằng xe gắn máy đi qua đoạn đường này (đường ĐT 725, đoạn nối TP.Đà Lạt - huyện Lâm Hà), thấy ống khói nấu rượu của gia đình nên đưa khách vào tham quan. Và từ đó đến nay gia đình tôi luôn nườm nượp khách…”.

 

Nơi này là một điểm đến rất thú vị trên hành trình khám phá những vùng đất Tây nguyên Việt Nam của chúng tôi. Sẽ rất buồn tẻ nếu chỉ là đi ra đi vào khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi ở thành phố

Du khách Vita Lotito

Cũng theo ông Lộc, cách đây ít năm, khách vào hỏi cà phê chồn rất nhiều nên gia đình ông mày mò tìm hiểu rồi đi mua chồn về nuôi để sản xuất cà phê (đến nay nuôi 15 con chồn). Quy trình nấu rượu gạo sạch và khép kín cùng với việc sản xuất, chế biến cà phê chồn là hai sản phẩm chính hút du khách nước ngoài đến với gia đình ông Lộc.

Hôm chúng tôi đến lò rượu này, thật bất ngờ khi nhìn thấy hàng chục du khách nước ngoài cùng với hướng dẫn viên trên những chiếc mô tô “bụi bặm” dừng trước cổng nhà rồi đi thẳng vào nơi nấu rượu, nơi nuôi chồn để tham quan mà không cần xin ý kiến chủ nhà. “Chúng tôi quen rồi, khách đến đây như ở nhà vậy, chủ nhà thoải mái và du khách nước ngoài được tự nhiên”. Thấy chúng tôi thắc mắc, một hướng dẫn viên trong đoàn giải thích. Theo chân đoàn du khách này, chúng tôi biết được họ là những người Ý, Hà Lan, Úc và được các bác tài thuộc các đội Easy Rider ở nhiều nơi chở đến.

Không thu tiền tham quan của du khách, bù lại gia đình ông Lộc tận dụng khoảng sân nhà đặt bàn ghế bán cà phê và dùng kệ bày bán các sản phẩm đã chế biến. Khách tham quan, tìm hiểu xong quay ra có thể hoặc không uống cà phê đều được, nếu uống thì giá cà phê bình thường 10.000 đồng/ly, cà phê chồn 50.000 đồng/ly; uống xong, nếu thích có thể mua cà phê chồn mang về (1,2 triệu đồng/kg thô, 6 triệu đồng/kg đã chế biến); và với rượu gạo cũng vậy, họ có thể mua mang về hoặc không… “Một năm có bao nhiêu ngày thì cũng chừng ấy ngày gia đình tôi nấu rượu, không nghỉ ngày nào, kể cả mùng 1 Tết Nguyên đán. Bình thường mỗi ngày có từ vài chục đến hàng trăm du khách nước ngoài đến đây tham quan, thậm chí có ngày khách đến chật kín cả sân. Mấy năm nay gia đình tôi không hề tăng giá với bất cứ sản phẩm nào, chất lượng sản phẩm vẫn đảm bảo tốt”, ông Lộc cho biết thêm. 

Trao đổi về những mô hình này, ông Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, bày tỏ: “Tôi rất hoan nghênh những hoạt động của các mô hình này, bởi nó đã tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp hấp dẫn du khách nước ngoài. Đây là tín hiệu tốt để phát triển du lịch, rất đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, các cấp, các ngành có liên quan cần ngồi lại với nhau bàn bạc cùng các gia đình để làm sao tìm được phương cách tốt nhất giúp mô hình phát triển bền vững, có định hướng và được tổ chức ổn định”.

Trong khi nhiều khu du lịch được đầu tư hoành tráng nhưng rất khó thu hút du khách nước ngoài, thì việc làm được của 2 gia đình nông dân trên cần được khuyến khích, nhân rộng.   

“Woa, nơi này rất tuyệt!”

Anh Trần Văn Song (Việt Nam Rider Nha Trang) kể: “Mình đã 13 năm chở khách nước ngoài bằng xe gắn máy đi tham quan khắp nơi. Họ thích đến những làng quê để tham quan, tìm hiểu đời sống của bà con và những nghề truyền thống ở đất nước mình. Riêng ở đây, mỗi năm mình có khoảng 50 - 60 lần chở khách quốc tế đến tham quan và nhiều người trong số này đã quay trở lại”.

Anh Gianloigi Cammillebi (du khách Ý) thì tươi cười sau khi uống thử 4 chung rượu gạo: “Woa, nơi này rất tuyệt! Tôi vừa được tìm hiểu cách nấu rượu, làm cà phê của người dân Việt Nam và được uống mấy ly. Tôi thích rượu gạo của các bạn rồi đấy”. Trong khi đó cô bạn đi cùng Vita Lotito thích thú nói về chuyến trải nghiệm du lịch xe máy và thăm lò rượu Kiết Tường: “Nơi này là một điểm đến rất thú vị trên hành trình khám phá những vùng đất Tây nguyên Việt Nam của chúng tôi. Sẽ rất buồn tẻ nếu chỉ là đi ra đi vào khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi ở thành phố”.

Gia Bình

>> Làm giàu từ thất bại của cha
>> Bí thư xã đoàn làm giàu nhờ nuôi heo
>> Làm giàu từ nuôi cá kiểng
>> Làm giàu ở vùng biên
>> Làm giàu từ sầu riêng nghịch vụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.