Hoa sen Bồ Tát - Chùm truyện ngắn của Thái Bá Tân

09/12/2012 03:05 GMT+7

Họ hay gặp nhau ở hồ Kim Đài, trong hồ có nhiều bèo tây và sen. Có thể vì thế mà mỗi lần nhớ cô, anh hay nghĩ về hoa sen, đặc biệt những bông hồng sắp nở. Cũng có thể vì đôi má cô có màu hồng như thế. Cả cặp vú non, nhòn nhọn dưới lớp vải lụa mỏng cũng gợi anh nghĩ đến một cái gì đấy đẹp, tinh khiết và thơm. Cái ấy chỉ có thể là hoa sen.

Chuyện xảy ra đã lâu. Cô là gái quê lên thủ đô học đại học. Anh là con nhà danh giá, giàu có mười đời sinh sống ở đất này. Rồi họ yêu nhau, như phần nhiều những cặp trai gái khác yêu nhau - không quá hời hợt mà cũng chẳng mấy say đắm, nhưng chân thành.

 Hoa Sen Bồ Tát
Minh họa: Tuấn Anh

Một tối nọ, ngồi trên chiếc ghế đá ven hồ thưởng thức làn gió mát từ phía sông Hồng thổi tới và hương sen dìu dịu từ hồ bay lên, cô bảo anh cô đã có thai.

Vốn được quá nuông chiều cả từ phía gia đình lẫn bè bạn, anh có cảm giác như mình bị xúc phạm khi phải rơi vào một tình huống thụ động và đột ngột như vậy. Giữa lúc lúng túng không biết nói gì, làm gì, anh đã buột miệng thốt ra một câu ngu ngốc mà vì nó ân hận cả đời:

“Thế à? Em có chắc là con anh không?”.

Cô nhìn anh, đôi mắt mở to đầy kinh ngạc và đau đớn, rồi ù bỏ chạy. Còn anh, như bị trói vào ghế, vẫn ngồi yên, ngồi đến tận sáng hôm sau. Khi anh đến ký túc xá tìm người yêu với ý định xin lỗi và nhanh chóng tổ chức lễ cưới, người ta nói cô đã xin thôi học, bỏ đi đâu không rõ. Từ bấy đến nay hai mươi lăm năm đã trôi qua, và anh chưa gặp lại cô lần nào.

Hồ Kim Đài ngày nay không còn như xưa. Nhỏ hơn nhiều, có đường đi lát đá bao quanh. Chính giữa hồ không hiểu sao người ta dựng chiếc lầu nhỏ tám mái bằng ngói sành màu xanh thẫm. Trong lầu, cao trên bệ đá hoa cương là tượng Quan m Bồ Tát tọa trên đài sen màu trắng. Dưới hồ sen vẫn nở, nhưng toàn màu hồng.

Anh, bây giờ đã là một người đàn ông tóc hoa râm, vẫn thỉnh thoảng ra ngồi bên hồ. Ngồi đúng chỗ ngày xưa, nơi anh và cô gái của anh đã ngồi vào cái đêm cuối cùng định mệnh ấy, dẫu bây giờ chiếc ghế đá không còn. Ông sống một mình không vợ con, gia tài bố mẹ để lại tiêu tán hết vào những chuyến đi dài ngày tìm kiếm người yêu. Ông đã thật sự hối hận và đau khổ vì câu nói ngớ ngẩn, không suy nghĩ đó. Lo lắng cho số phận cô gái, và cả đứa con của mình, ông tìm kiếm họ khắp nơi nhưng không thấy.

Mười giờ đêm. Đèn chiếu sáng quanh hồ phụt tắt do đang trong tháng tiết kiệm điện. Dây đèn trang trí màu đỏ trong lầu vẫn sáng, không hiểu từ nguồn nào. Cả bức tượng và đài sen có màu hồng nhạt như những bông sen dưới hồ ban ngày. Ông vẫn ngồi yên, nghĩ về màu hồng đôi má và cả đôi vú nhỏ, nhọn của người yêu năm nào. Hình như đã khuya. Chỉ còn lại một đôi bạn trẻ ngồi bên chiếc ghế cách đấy không xa. Bất giác ông thở dài, thầm mong họ không lặp lại bi kịch của ông.

“Anh xin lỗi. Xin mẹ con em hãy tha thứ cho anh”.

Ông nói với bức tượng Quan m Bồ Tát trên đài sen màu hồng giữa hồ. Nếu có thể, ông đã lội nước đến quỳ trước đó mà nói. Rồi ông thành kính chắp tay trước ngực:

“Xin Bồ Tát lòng lành giúp con!... Hãy ban ơn giúp con!...”.

Bất chợt, bức tượng Bồ Tát động đậy. Ngài từ từ bước lại, đặt ông lên bàn tay của mình rồi bay đi.

***

Sáng hôm sau, ông tỉnh dậy gần một ngôi chùa lạ.

Trước mắt ông là một ni cô trẻ, mặc bộ quần áo nhà chùa màu nâu còn mới. Không hỏi, không mời, cô gái lặng lẽ đưa ông vào chùa.

Chùa ở lưng chừng núi, lọt thỏm giữa những tán cây xanh. Phía dưới lác đác mấy ngôi nhà tồi tàn được dựng theo kiểu rất lạ ông chưa thấy bao giờ. Điều này khiến ông nghĩ ông đang ở một nơi nào đấy rất xa. Trước chùa có chiếc bể lớn bằng xi măng giả làm ao, lơ thơ mấy bông sen đang nở như ở hồ Kim Đài. Bất giác nhìn xuống nước, ông thấy mình với khuôn mặt phờ phạc ốm yếu, mái tóc xù, cái lưng gù gù dẫu chưa già và bộ quần áo nhàu nát.

Trụ trì là một sư thầy trạc tuổi ông nhưng trông trẻ hơn nhiều. Bà có khuôn mặt đẹp, đôn hậu đến mức thánh thiện nhưng vô cảm. Bà hồi lâu nhìn ông cũng với vẻ lạnh lùng, vô cảm ấy. Ông không lấy thế làm buồn vì biết người tu hành thường có vẻ ngoài như vậy, dù họ tốt bụng.

Thay cho câu cảm ơn bình thường, ông nhắc lại hai tiếng “mô phật” của sư thầy khi bà mang tới đĩa khoai luộc và bát nước. Bà lặng lẽ nhìn ông ăn. Nhìn ông còn có một người nữa, đó là Bồ Tát. Ngài đang ngự trên một đài sen bằng đá cẩm thạch màu trắng như ở hồ Kim Đài, ngay gần ông nhưng chắc mải ăn nên ông không nhìn thấy. Ông cũng không nhận thấy khuôn mặt thánh thiện của sư thầy trụ trì có màu hồng hồng trông giống một bông chưa nở. Bông sen Bồ Tát.

Ăn xong, ông tựa lưng vào chiếc tràng kỷ gỗ rồi thiếp lúc nào không biết.

Lát sau, cô gái bước vào:

“Ông ấy đâu rồi mẹ?”.

“Bồ Tát đưa ông ấy về rồi”, sư  trụ trì đáp.

“Trông ông ấy tội nghiệp quá”.

“Ừ, tội nghiệp. Bố con đấy”.

Hồi lâu, cô gái mới lên tiếng, giọng bình thản:

“Sao mẹ không giữ ông ấy lại?”.

“Chưa phải lúc. Vì bố con không thấy mẹ đã khóc. Bố con chưa đau khổ đến mức có thể thấy người khác khóc mà không cần nước mắt hay thay đổi nét mặt”.

Sưởi nắng

Tôi ngồi sau bàn viết ngoài hiên, dưới bóng giàn mướp đang ra hoa, lơ đãng nhìn đồng lúa xanh trải dài trước mặt.

Có vẻ như đã hết đông. Hết cả những ngày sương mù ẩm ướt. Một dây mướp sà xuống như chìa những bàn tay lá xanh và ấm.

Con Cún sưởi nắng trong góc sân, lười đến mức không thèm dậy ve vẩy đuôi mừng khi tôi ra chơi với nó.

Vậy là thêm một mùa xuân nữa đến. Cây cối, đất trời đang sống lại. Vạn vật cựa mình chào đón những tia nắng vàng khô. Thế mà tôi, không hiểu sao tôi vẫn thấy có cái gì đó ẩm ướt, ủ ê trong lòng. Cái buồn không tên. Sự mệt mỏi không tên. Cái gì đó làm tôi không hài lòng với bản thân mình. Cái gì? Nhiều cái lắm, mà cũng chẳng có cái gì cả. Tôi tự nguyện dấn thân vào con đường văn chương vất vả. Đọc đến mụ người, viết đến mụ người, mà nói chung chỉ toàn chuyện đâu đâu chẳng mấy ích lợi cho đời và cả cho tôi. Thì đây, không ai bắt mà tôi cứ ngồi lì bên bàn, hằng giờ liền chưa được chữ nào nên vẫn trân trân nhìn phía trước như người mất hồn.

 Minh họa: Tuấn Anh
Minh họa: Tuấn Anh

Trên con đường đất đỏ từ làng xuống đồng Rục, một người đàn bà quảy gánh đi làm. Một bên là thằng bé lên ba. Bên kia là cái cuốc, ấm nước, bữa cơm trưa cho hai mẹ con và thêm cái gì đó để đủ nặng, gánh không lệch. Đó là cô Mến, con dâu bà Hạnh, vừa bị chồng say rượu đánh hôm qua. Cô một mình đi trồng ruộng khoai vốn đã quá ngày. Nghe nói cả xóm, nhà cô duy nhất còn thiếu ăn. Con nhà nghèo ngoan. Thằng bé không khóc, lại còn bi bô nói hát. Chốc chốc thấy vướng, nó vứt chiếc nón rách trên đầu, và mẹ nó phải dừng lại nhặt lên, bắt đội.

“Lại đọc sách à?”.

Bà hàng xóm to béo xuất hiện lúc nào, tay ôm bó chăn lớn đứng ở sân nhà bên.

“Vâng. Tôi thì còn làm được gì nữa ngoài đọc sách?” - tôi đáp.

“Sống như ông chán bỏ mẹ”.

“Ừ”.

“Thì vứt sách mà đi chơi. Trên phố vừa mở quán karaoke to lắm. Có cả các em út nữa đấy”. Bà nói, tự nhiên cười khúc khích, với tay treo chiếc chăn lên dây thép rồi lấy gậy đập đập, bụi bay mù mịt. “Trời với chả đất. Cả mấy tháng sụt sùi, đến người cũng ẩm mốc chứ nói gì đến chăn”.

“Đến người cũng ẩm mốc”. Cái bà này nói hay thật. Hay định ám chỉ mình?

Một lát sau, tôi xách ghế, đầu trần ra ngồi phơi nắng giữa sân. Bên kia bờ rào là chiếc chăn ẩm xỉn màu.

Mặt trời mới quá con sào nhưng đã bắt đầu nắng gắt. Kệ. Tôi cứ ngồi, mấy lần xù tóc để nắng xuyên qua đầu, sưởi ấm những ý nghĩ ẩm mốc bên trong.

Có lẽ đã hơn một giờ. Chắc vì nóng, con Cún chạy vào nhà từ lúc nào.

“Ông làm gì mà ngồi chang giữa nắng thế này?” - vợ tôi đi chợ về, ngạc nhiên hỏi.

“Tôi sưởi nắng”.

“Sưởi nắng giữa trưa? Và phải xù đầu xù tóc thế kia?”.

“Thì tôi sưởi cả ý nghĩ trong đầu nữa”.

“Ông điên vừa vừa thôi”.

Đấy là câu vợ tôi vẫn nói khi thấy chồng làm điều gì đấy kỳ cục. Không ác ý hay châm chọc, lâu dần thành quen, tôi coi như chuyện bình thường, thậm chí là lời mắng yêu.

Tôi nhìn theo, chợt thấy hôm nay vợ diện áo đẹp, dù chẳng đi đâu. Hay hôm nào cũng diện mà mình không thấy? Dẫu có đẫy ra, nhưng bà ấy vẫn giữ được những nét đẹp của thời con gái. Tự nhiên thấy thương vợ. Một mình phải lo toan bao nhiêu việc trong nhà, lại còn phải chịu đựng một ông chồng to béo ngồi lù lù bên bàn suốt ngày và không bao giờ đụng tay làm gì. Được, lát nữa mình sẽ vào giúp bà ấy nhặt rau! Chắc phải ngạc nhiên lắm, và lại mắng “ông điên vừa vừa thôi”.

Không văn chương gì hết. Hôm nay nghỉ. Mai kia cũng nghỉ!

Chiếc chăn bà hàng xóm có thể chưa khô, nhưng ý nghĩ của tôi hình như đã ấm hơn, thậm chí có đôi chút le lói.

Lát sau, với cái đầu tỉnh táo của một người vừa qua cơn sốt li bì, tôi bỏ vào nhà nhặt rau cho vợ, vừa đi vừa nghĩ ngày mai sẽ bảo cô Mến gửi thằng bé bác trông cho, kẻo chang nắng nó ốm thì chết. 

Những ngôi sao sáng

Ngày nhỏ đọc truyện Tam Quốc, tôi thấy mỗi lần có vị tướng tài hay ông quân sư giỏi nào đấy chết là một ngôi sao lớn lóe lên rồi vụt tắt, để lại vệt sáng lớn trên bầu trời. “Ngôi sao to bằng chiếc đấu” -  người ta viết như vậy. Nghĩa là những vị tài giỏi ấy không chỉ được người mà cả trời đất yêu quý.

Cũng ngày nhỏ, một lần tôi được bọn bạn có bố mẹ theo đạo dẫn đi xem lễ Giáng sinh ở nhà thờ làng trên. Chúng dẫn tôi đến một góc vườn nhà thờ được trang trí bằng đèn nhiều màu. Trong chiếc nôi giữa đám cỏ khô là một đứa bé bằng gỗ quét sơn hồng - Chúa Jesus. Chúng bảo tôi Chúa được sinh trong máng cỏ chuồng ngựa, và đúng lúc Ngài ra đời, một ngôi sao lớn xuất hiện trên bầu trời, theo đó ba nhà thông thái phương Đông đã tìm đến tặng quà cho mẹ con Ngài. Cạnh máng cỏ lúc ấy có chiếc đèn lồng năm cánh dán giấy bóng màu xanh, tượng trưng cho ngôi sao ấy. Tôi hỏi vì sao khi Chúa sinh lại xuất hiện ngôi sao? Chúng bảo đó là bằng chứng Ngài được yêu mến và mong đợi.

Vậy là rõ: Những ai được người khác yêu mến khi sinh hoặc chết đều được trời đánh dấu bằng những ngôi sao sáng. Tôi đã nghĩ và tin như vậy.

Tôi có một người ông rất khác thường, nhiều người cho là gàn dở, nhưng tôi thì rất yêu. Ông cao lớn, trực tính, ăn to nói lớn và rất tốt bụng. Ngày bé tôi nghịch thường bị bố đánh, và ông luôn che chở cho tôi. Ông hay đưa tôi đi chơi xa, kể đủ thứ chuyện thú vị ông biết hay tự phịa ra. Đêm tôi chui vào ổ rơm ngủ với ông nhiều hơn ngủ ở nhà. Cuối năm 1959 ông tôi mất. Khỏi nói tôi buồn và thương nhớ ông thế nào. Đêm hôm ấy tôi ra đồng Rục, đứng trên gò đất cao nhìn như dán khắp bầu trời xem có ngôi sao nào lóe sáng không. Cuối cùng tôi đã nhìn thấy nó, vào lúc gần sáng. Một ngôi sao đổi ngôi rất sáng ở phía chân trời. Vậy là ông tôi là người tốt, được yêu mến và khi chết đã biến thành sao. Không bằng ngôi sao lớn như chiếc đấu của Khổng Minh, nhưng là một ngôi sao đẹp.

Ba mươi năm sau tôi lấy vợ và sinh con đầu lòng, con gái. Hôm ấy bầu trời đen kịt vì đang có mưa, nhưng khi ngước nhìn lên, tôi nghĩ tôi đã nhìn thấy sau lớp mây dày đặc một ngôi sao lấp lánh, đẹp như ngôi sao báo hiệu sự ra đời của Chúa.

Lại ba mươi năm nữa trôi qua, cách đây hai tháng, tôi có cháu ngoại. Hôm ấy vợ chồng tôi ở Vũng Tàu. Tôi đưa vợ tôi lên tầng cao nhất của tòa nhà hai mươi hai tầng nơi con tôi sống. Cao trên đầu chúng tôi là cả một trời sao tuyệt đẹp. Ngôi nào cũng xanh, nhấp nháy và trẻ trung đến lạ kỳ. Hơn thế, cũng hôm ấy, giờ phút ấy, người ta đang bắn pháo hoa ở Đà Nẵng, có thể một phần để chào mừng sự ra đời của cháu tôi.

“Cả trời sao đẹp thế này là để chào đón cháu mình ra đời đấy”, tôi nói.

Vợ tôi không hiểu, nhưng có vẻ xúc động bởi lời nói bóng bẩy, lãng mạn ấy. Bà đứng lặng. Trong đôi mắt ngước nhìn lên lấp lánh hai giọt nước mắt. Hai ngôi sao.

Còn tôi, tôi nóng lòng chờ cháu chóng lớn để kể cho nó nghe về ngôi sao của cụ nó, mẹ nó và cả của nó. Tôi thầm hứa với cháu rằng tôi sẽ cố sống tốt, thật tốt, để một ngày nào đó, có lẽ cũng không còn xa, khi

tôi chết, nó, mẹ nó, bà nó và nhiều người khác sẽ thấy một ngôi sao, có thể không lớn lắm, nhưng xanh, đẹp, lóe sáng trên bầu trời như ngôi sao của ông tôi ngày xưa.

Cũng có nghĩa rằng tôi, một người tốt, khi chết, được hóa thành sao.

Thái Bá Tân

>> Bản lĩnh đàn bà - Truyện ngắn của Phan Thị Thanh Nhàn
>> Ngộ nhận" - Truyện ngắn của Phạm Thị Phong Lan
>> Người ta yêu nhau trong mùa thu..." - Truyện ngắn của Cẩm Thư
>> Với chiếc đèn quảng cáo… - Truyện ngắn của Ý Nhi
>> Cao thủ đại nội" - Truyện ngắn của Vĩnh Quyền
>> Nhà báo Nguyễn Xuân Hiển ra mắt tập truyện ngắn đầu tay
>> Súng săn - Truyện ngắn của Trần Nhã Thụy
>> Ông trăng trong mắt bé - Truyện ngắn của Zac Herman
>> Thợ nhuộm tóc - Truyện ngắn của Phan Thị Thanh Nhàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.