Chia cắt tình thâm

27/10/2012 08:53 GMT+7

Người mẹ trao cho cô con gái út giữ căn nhà làm từ đường, thờ cúng tổ tiên, không rao bán hay chia năm xẻ bảy. Nhưng những người con khác lại quyết không “chịu thiệt”...

Phòng xử dân sự ở TAND TPHCM một buổi chiều cuối tháng 9. Không khó để nhận ra 7 người ngồi san sát trên 2 hàng ghế đầu đua nhau ném những cái nhìn đầy khó chịu, hoài nghi về người còn lại đang ngồi lọt thỏm, đơn độc nơi băng ghế cuối. Họ là 8 anh chị em ruột.

Giấu di chúc

Phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện tranh chấp tài sản thừa kế bắt đầu. Là người kháng cáo, ông V.V (quận 8), đại diện cho 7 anh chị em cùng chung “chí hướng”, trình bày: “Tôi khẳng định trước tòa, tờ di chúc này được mẹ tôi viết trong tình trạng mẹ tôi đã 67 tuổi, nhiều bệnh tật, không minh mẫn. Vì vậy, về mặt pháp lý là không hợp lệ, không có hiệu lực!”. Ông V. đề nghị tòa không công nhận di chúc, tiến hành chia đều căn nhà là tài sản của cha mẹ để lại cho cả 8 anh chị em.

 Chia cắt tình thâm
Minh họa: Nguyễn Tài

Năm 2000, cha mẹ ông lần lượt qua đời, tờ di chúc trao lại quyền sở hữu toàn bộ căn nhà cho người con út (bà V.T.K.L) được ông V. cất giữ, bà L. không hề hay biết. Mới đây, ông V. tổ chức cuộc họp giữa các anh chị em để bàn đến việc bán căn nhà của cha mẹ chia đều, tờ di chúc mới “lộ diện”. Theo nội dung di chúc, mẹ ông V. mong muốn bà L. giữ căn nhà làm từ đường, thờ cúng tổ tiên.

Đây là tài sản kế tục của dòng họ, không nên rao bán hay chia năm xẻ bảy. Dựa trên ý nguyện của mẹ, bà L. đề nghị các anh chị thực hiện theo di chúc nhưng bị 7 anh chị kịch liệt phản đối. Họ đồng lòng viết đơn khởi kiện. Tuy nhiên, xét xử sơ thẩm, TAND quận 8 đã tuyên căn nhà thuộc sở hữu của bà L.

Kể công

Trình bày tại tòa phúc thẩm, luật sư của ông V. nói: “Việc một người lập di chúc trao quyền thừa kế cho con cháu trong tình trạng tuổi cao, bệnh tật thì chuyện giám định sự tỉnh táo, minh mẫn là cần thiết”. Tuy nhiên, ý kiến này bị HĐXX bác bỏ vì “không có biên bản nào chứng minh người mẹ lập di chúc trong tình trạng không minh mẫn”.

 

“Khi lớn lên, mỗi người con có một gia đình riêng, căn nhà chung là nơi nhớ về nguồn cội, thắt chặt thêm tình máu mủ, ruột rà. Lẽ nào những điều thiêng liêng, quý giá ấy không bằng những đồng tiền vô tri, vô giác?” - một vị thẩm phán trầm ngâm nói sau phiên tòa.

Ông V. quay sang… kể công. “Là con cả trong gia đình, tôi đã nhiều lần dành dụm, vay mượn để sửa chữa ngôi nhà từ hồi cha mẹ còn sống mới được khang trang như hiện nay. Trong trường hợp tòa tuyên di chúc có hiệu lực, tôi đề nghị được… hoàn lại số tiền đã bỏ ra” - ông V. nói. Ông liệt kê chiếc Vespa của ông năm 1987 mang bán đi để sửa lại trần nhà dột nát, lo cho cha mẹ một chỗ ở đàng hoàng. Mấy lần sửa lại gian bếp, làm thêm phòng… cũng từ tiền của ông.

Nghe anh trai nói, những người còn lại cũng bắt đầu nhẩm tính các khoản đóng góp của mình. Một người em gái ông V. kéo tay ông nhắc: “Hồi sửa lại cái gác, em cũng phụ mấy triệu”. Rồi liếc đôi mắt sắc lạnh về phía cô em út, bà nói tiếp: “Không hiểu mẹ nghĩ sao chứ suốt thời gian bà nằm viện, tôi túc trực, chăm sóc, có thấy mặt mũi ai kia đâu”.

Phiên tòa dậy tiếng ồn bởi những người còn lại cũng tranh nhau kể công khiến vị chủ tọa phải lắc đầu ngán ngẩm. Quay về phía bà L., chủ tọa hỏi: “Nếu được thừa hưởng căn nhà, chị có đồng ý bồi thường các khoản đóng góp của họ nêu trên không?”. Cúi gằm mặt, bà L. từ tốn đáp: “Do cuộc sống quá khó khăn, tôi không đóng góp gì nhiều vào căn nhà hay lo lắng chu đáo cho cha mẹ như các anh chị.

Giờ mẹ giao nhà để gìn giữ cho họ tộc thì tôi giữ, chứ mấy chục triệu đồng đền bù cho anh chị, tôi biết xoay xở đâu ra?”. Ngập ngừng một lát, bà nói tiếp: “Nếu anh chị cho thư thả thời gian, tôi sẽ cố gắng dành dụm trả, miễn giữ được căn nhà thì khổ mấy tôi cũng ráng”.

Giờ nghị án, bà L. lủi thủi ra ghế đá trước sân tòa ngồi một mình. Cách vài bước chân, các anh chị bà L. tụm đầu bàn tán, có người nói trổng: “Hồi bà già còn sống, nó về rù rì miết nên bả mới cho. “Cáo” là ở chỗ đó!”. Nghe vậy, bà L. ngước đôi mắt đỏ hoe nhìn về phía các anh chị...

HĐXX tuyên giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm vì di chúc hợp lệ, có đầy đủ hiệu lực pháp lý; đồng thời tuyên bà L. không phải hoàn các chi phí sửa chữa nhà do nguyên đơn không xuất trình được chứng từ, hóa đơn chứng minh.

Như khi đến, 7 người anh chị lại ném những cái nhìn hằn học về phía cô em út. Căn nhà chung, nơi ghi dấu tuổi thơ, chứng kiến họ từng ngày lớn lên bên nhau trong sự yêu thương, chăm sóc của mẹ cha đến bây giờ lại trở thành vật chia cắt tình thâm...

Theo Yên Nhạn / Người Lao Động

>> Đoạn tuyệt tình thâm
>> Phai lạt tình thâm
>> Tuyệt tình 1 - Truyện tình thảm thiết toàn “T”.
>> Tuyệt tình 2 - Truyện tình thảm thiết toàn “T”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.