Bóng đá Việt Nam - Cơ hội và thách thức World Cup 2026:

Cuộc đua không khoan nhượng

31/08/2023 05:32 GMT+7

Những nền bóng đá hùng mạnh ở châu Á đều đang gấp rút đầu tư để "chạy đua" nắm bắt thời cơ khi số suất dự vòng chung kết World Cup 2026 được mở rộng.

BÓNG ĐÁ CHÂU Á "SÔI SỤC" VÌ WORLD CUP 2026

Số đội dự vòng chung kết (VCK) World Cup 2026 được nâng từ 32 lên 48, đồng nghĩa cơ hội dự ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới đã rộng mở với tất cả. Sẽ có 8,5 vé dự World Cup 2026 (gồm 8 vé trực tiếp và 1 vé play-off) cho các đội tuyển châu Á, thay vì 5,5 vé như các VCK trước đây. Đội tuyển VN đứng trước vận hội lớn. Nhưng khi bóng đá VN tiến bộ, đối thủ cũng không đứng yên.

Cuộc đua không khoan nhượng   - Ảnh 1.

Bóng đá Qatar có bước tiến thần tốc khi vô địch Asian Cup 2019 và tổ chức thành công World Cup 2022

REUTERS

Nguyên Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá VN Phạm Ngọc Viễn phân tích, cơ hội dự World Cup sẽ mở ra cho những đội có thứ hạng nằm trong tốp 20 trên bảng xếp hạng FIFA. Trong đó ngoài những đội là "khách quen" ở các VCK World Cup, có thể kể đến Trung Quốc, Iraq, UAE, Uzbekistan, Bahrain, Syria, Oman, Qatar… Chuyên gia Steve Darby, cựu HLV đội tuyển nữ VN, bày tỏ: "Tôi chờ đợi vào những đội triển vọng như Trung Quốc, Indonesia và VN. Có thể đội tuyển VN sẽ đánh bại Thái Lan (nếu hai đội gặp nhau ở vòng loại thứ 3) để giành vé đi World Cup".Bóng đá Uzbekistan đang rất thành công trên khía cạnh đào tạo trẻ khi cho “ra lò” những lứa U.17, U.20 và U.23 gây tiếng vang ở châu Á.

Nhận diện sức mạnh đội tuyển Palestine - đối thủ của đội tuyển Việt Nam ở FIFA Days tháng 9.2023

Cuộc đua không khoan nhượng - Ảnh 3.

Bóng đá châu Á có sự trỗi dậy mạnh mẽ

Các nước đang "sôi sục" đầu tư cho giấc mộng World Cup. Qatar đã chi 200 tỉ USD (theo thống kê của Al Jazeera) để tổ chức VCK World Cup 2022. Trước đây chỉ thuộc nhóm "hạng 2" Tây Á, nhưng với nguồn lực đầu tư bài bản và quy mô lớn, bóng đá Qatar đã tiến bộ thần tốc. Lứa cầu thủ được đào tạo ở Học viện Aspire với triết lý bóng đá châu Âu đậm nét đã giúp đội Qatar vô địch Asian Cup 2019, đánh bại cả đội Hàn Quốc và Nhật Bản.

Lịch sử các VCK World Cup đã chứng kiến sự hiện diện của 11 đội tuyển thuộc Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ả Rập Xê Út, Iran, CHDCND Triều Tiên, UAE, Kuwait, Iraq, Qatar và Trung Quốc.

Trong đó, đội Hàn Quốc tham dự VCK World Cup thường xuyên nhất với 11 lần, xếp sau lần lượt là Nhật Bản (7 lần), Ả Rập Xê Út và Iran (cùng 6 lần). Đội Úc từ khi gia nhập AFC cũng có 4 lần dự VCK World Cup. CHDCND Triều Tiên có 2 lần tham dự, trong khi UAE, Kuwait, Qatar, Trung Quốc, Iraq đều có 1 lần dự giải.

Thành tích tốt nhất của một đội bóng châu Á ở World Cup là vị trí thứ tư của Hàn Quốc ở giải đấu năm 2002. Ngoại trừ Hàn Quốc, chưa đội châu Á nào khác vượt qua ngưỡng cửa tứ kết World Cup. VCK World Cup 2022 là giải đấu có nhiều đội châu Á từng tham dự nhất từ trước đến nay với 6 đại diện, trong đó có 3 đại diện vượt qua vòng bảng (sau đó đều bị loại ở vòng 16 đội).

Tại World Cup 2022, dù Qatar bị loại ở vòng bảng sau 3 trận toàn thua, nhưng việc mang ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh về quê nhà, xây hàng loạt hạ tầng phục vụ thể thao là cú hích lớn để bóng đá Qatar vươn mình. Lứa cầu thủ của họ đang ở độ chín, được đầu tư thi đấu liên tục cho mục tiêu một lần nữa dự VCK World Cup. Đội Trung Quốc luôn khao khát trở lại VCK World Cup sau 2 thập niên chờ đợi. Sohu đánh giá: "VCK World Cup 2026 mở rộng số đội, tức là cơ hội của đội Trung Quốc lớn hơn, nhưng CĐV chưa thể lạc quan do thực lực đội đã suy yếu". Ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, đội Trung Quốc từng thua 1-3 trước đội VN, trong trận đấu mà 7 trong số 11 cầu thủ đá chính trên 30 tuổi.

Cuộc đua không khoan nhượng - Ảnh 5.

Đội UAE

Cuộc đua không khoan nhượng - Ảnh 6.

Đội Trung Quốc

Tuy nhiên, Wu Lei cùng đồng đội vẫn là tập thể đáng gờm. Chuyên gia Steve Darby nêu quan điểm, đội tuyển Trung Quốc là ứng viên cho vé dự VCK World Cup nếu họ được tổ chức bài bản. Năm 2022, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc đã xây dựng hạng đấu dành riêng cho cầu thủ trẻ, với hy vọng xây dựng lứa cầu thủ kế cận Wu Lei đã ở bên kia sườn dốc. Đây là cú hích trong tương lai gần nếu đội Trung Quốc thực sự trẻ hóa.

SỨC NÓNG ĐÔNG NAM Á

Sức nóng World Cup đã lan rộng Đông Nam Á, khi nhiều đội như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia đang gấp rút chuẩn bị. Đội Indonesia sở hữu lứa cầu thủ tài năng, từng chạm trán với VN ở nhiều giải trẻ như Alfeandra Dewangga, Ricky Kambuaya, Egy Maulana, Witan Sulaeman, Marselino Ferdinan, Pratama Arhan, Fachruddin Aryanto... So với vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khi đội tuyển Indonesia chuyển giao lực lượng và biến động thượng tầng, đội bóng xứ vạn đảo hiện đã định hình phong cách dưới thời ông Shin Tae-yong. Đội tuyển VN đã bất bại trước Indonesia trong 7 năm qua, nhưng để thắng đối thủ lần nữa ở vòng loại thứ 2 là không dễ (nếu Indonesia vượt qua Brunei ở vòng loại thứ 1).

Đội Philippines (đối thủ cùng bảng đội tuyển VN) cũng rất khó lường. HLV Philippe Troussier phân tích, lực lượng Philippines sẽ rất khác các giải trước đây như AFF Cup, SEA Games. Do các trận ở vòng loại World Cup thuộc FIFA Days, nên Philippines có thể gọi những cầu thủ giỏi nhất đang chơi ở châu Âu. Đội Thái Lan, Malaysia cũng chạy đua với những thái cực đối lập. Trong khi Thái Lan sẽ trông chờ những cựu binh như Theerathon Bunmathan, Chanathip Songkrasin, Adisak Kraisorn, Teerasil Dangda… thì Malaysia lại trẻ hóa đội hình mạnh mẽ.

Chuyên gia Steve Darby bày tỏ: "Tôi tin sẽ có một đội Đông Nam Á giành vé đến World Cup 2026. Hy vọng đó là đội tuyển VN". 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.