Nhà vườn miền Tây lo phải đón giao thừa trên sông

25/01/2014 18:03 GMT+7

(TNO) Sau một năm vất vả chăm sóc hoa, cây kiểng bán tết, nhà vườn các tỉnh miền Tây Nam bộ đưa cây kiểng lên bến Bình Đông, quận 8 (TP.HCM) bán vào dịp tết lại phải canh cánh nỗi lo lắng ế hàng.

 
Bên cạnh niềm vui bán được hàng, các nhà vườn miền Tây, đưa cây kiểng và hoa lên Sài Gòn bán tết cũng đầy nỗi lo lắng - Ảnh: Độc Lập

>> Bỏ tiền triệu mua hoa quả nẫu đi Tết
>> Cây kiểng tết: Hàng độc giá cao
>> Hoa, cây cảnh chơi Tết: Lan Trung Quốc lấn át lan Việt

“Năm nay thời tiết khá lạnh và không thuận lợi, hoa mai và tắc (quất) không được đẹp như mọi năm. Nếu không bán hết sớm, nguy cơ tôi lại phải đón giao thừa trên sông”, ông Trần Hữu Hạnh, một nhà vườn ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long), tâm sự.

Trưa mùng 1 tết mới về tới nhà

Ông Hạnh có thâm niên 7 năm liền bán cây kiểng ở bến Bình Đông. Nhưng năm nay ông Hạnh cùng với hơn 130 chậu mai lên Sài Gòn với tâm trạng khá bồn chồn. Thời tiết năm nay thất thường, đặc biệt gần giáp tết khá lạnh khiến những chậu mai của ông Hạnh không được như ý muốn.

Năm nay, với vốn dành dụm và vay mượn người thân, tổng cộng ông Hạnh bỏ ra khoảng 60 triệu đồng đầu tư cho vụ hoa tết. Rồi hùn tiền với mấy người bạn để thuê ghe chở mai từ Vĩnh Long lên bến Bình Đông. Ở đây ông Hạnh lại phải tốn 5,6 triệu đồng để thuê hai lô đất (ngang 2 mét, dài 4,5 mét) để trưng bày mai.

 
Canh cánh nỗi lo khi không bán được hàng - Ảnh: Độc Lập

“Tôi chở mai lên đây từ ngày 18 âm lịch, tới hôm nay gần tròn một tuần mới chỉ bán được bốn chậu mai với số tiền 1,2 triệu đồng. Gần đến tết mà khách vẫn chưa đông. Mấy ngày nay tôi như ngồi trên đống lửa. Tối ngủ không được”, ông Hạnh nói.

Bảy cái tết đưa mai lên Sài Gòn bán là chừng ấy lần ông Hạnh phải đối chọi với nỗi lo ế hàng. Nhớ nhất là năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm nên cả cái tết ông Hạnh chỉ bán được bốn cây mai trong tổng số 400 cây đưa lên Sài Gòn. Mùa đó ông Hạnh lỗ mất hơn 50 triệu đồng.

Hỏi đã năm nào ế hàng phải đón giao thừa ở Sài Gòn chưa, ông Hạnh cười buồn: “Đón giao thừa ở Sài Gòn thì chưa nhưng đa phần phải đón giao thừa trên sông. Vì 9-10 giờ tối dù hết hay không hết hàng cũng phải nhổ neo về quê. Thời gian ghe chạy từ Sài Gòn về Vũng Liêm hết 13 tiếng, rồi đón giao thừa trên sông luôn. Thường thì trưa mùng 1 tết tụi tui mới về tới nhà”.

Ông Hạnh cũng cho hay mấy ngày gần đây một số thương lái lại hỏi mua sỉ hết toàn bộ mai nhưng ông không bán vì giá quá rẻ.

“Thương lái ép giá còn thấp hơn cả giá ở Vĩnh Long thì không thể bán được”, ông Hạnh nói.

Xem pháo hoa trên sông

Với thâm niên hơn 20 năm đưa cây kiểng lên Sài Gòn bán tết, ông Lê Văn Phước, nhà ở Chợ Lách (Bến Tre) cho hay có những năm hàng bán hết được về sớm nhưng cũng 3-4 cái tết phải đón giao thừa ở bến Bình Đông.

“Đó là những lần hàng dội chợ, hàng bán không ai mua nhưng tiếc của tụi tôi phải ráng bán được chừng nào hay chừng đó. Như cách đây hai năm suốt dịp tết tôi chỉ bán được mấy cây tắc. Chịu lỗ hơn 40 triệu đồng. Đến chiều mùng 1 tết mới về tới nhà”, ông Phước nhớ lại.

 
Rất nhiều lần ông Phước phải đón tết ở bến Bình Đông do không bán hết hàng sớm - Ảnh: Độc Lập

Tết năm nay, ông Phước cùng với em gái của mình đem gần 300 cây tắc với giá trị hơn 80 triệu đồng lên Sài Gòn bán tết. Hai anh em bỏ ra hơn 10 triệu đồng thuê bốn lô đất để lấy chỗ chưng hàng.

Tuy nhiên, giống với nỗi lo của nhà vườn chưng hàng ở bến Bình Đông, ông Phước cũng canh cánh nỗi lo “dội chợ” do năm nay thời tiết quá xấu khiến tắc không được đẹp. Gần bảy ngày, ông Phước mới chỉ bán được hơn 10 cây tắc.

Ông Phước nhớ cũng có năm bán hết hàng từ 5 giờ chiều. Cả nhóm chạy ghe về đến Tiền Giang rơi đúng giao thừa. “Năm đó vui lắm. Ghe đang đi giữa sông nhìn vào Mỹ Tho thấy pháo hoa bắn quá trời. Tụi tui biết đến thời khắc giao thừa nên rủ nhau lấy rượu đón mừng năm mới. Hát cười ào ạt cả một khúc sông”, ông Phước cười nói.

Hơn 20 năm bán cây kiểng tết ở Sài Gòn, ông Phước cũng có một số kinh nghiệm nhằm tránh tổn thất do ế hàng. Đó là khi hàng mình bán không được đẹp, chợ có dấu hiệu dội thì phải nhanh chóng xả hàng dù giá thấp để nhanh chóng cắt lỗ. Còn khi thấy bán lấy được đủ vốn, vẫn đông người mua thì người bán cố gắng kềm giá để kiếm lời.

“Nói kinh nghiệm cho vui thế thôi chứ ở chợ này đừng nhắc đến kinh nghiệm. Có ông kinh nghiệm đầy mình cũng có lúc lỗ te tua do ôm quá nhiều hàng”, ông Phước cười nói.

Chỉ mong hòa vốn

Năm nay là lần đầu tiên anh Nguyễn Văn Hà, quê ở Chợ Lách (Bến Tre) đưa mai lên Sài Gòn bán tết.

 
Đây là năm đầu tiên anh Hà đưa mai lên Sài Gòn bán tết - Ảnh: Độc Lập

Anh Hà kể mọi năm anh thường bán ở TP.Tân An (Long An) nhưng năm nay tới muộn không thuê được chỗ đẹp. Nghe mọi người rủ rê, anh Hà đưa mai lên bến Bình Đông.

Ở đây, anh Hà thuê hai lô đất với giá 5,8 triệu đồng để chưng 25 chậu mai. Số mai này không đáng là bao nếu so với nhà vườn thuê nhưng đó là tất cả tài sản mà hai vợ chồng anh Hà dành dụm, chăm chút trong suốt năm qua.

“Năm đầu chưa có kinh nghiệm nên vừa bán vừa run. Ế mấy cũng phải cố bám để bán hết hàng. Bán hết hàng dù hòa vốn cũng có cái tết vui rồi”, anh Hà nói.

Trung Hiếu

>> Nhộn nhịp chợ hoa tết Bình Điền
>> Mở chợ hoa tết Bình Điền xuân Giáp Ngọ 2014
>> Thời tiết đang làm khó hoa tết
>> Giải trí ngày xuân
>> Tiết xuân ấm áp
>> Rực rỡ sắc màu hội hoa xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.