Chuyện tình công chúa làm vợ hai vua

20/08/2017 06:40 GMT+7

Trong lịch sử, không chỉ có bà Dương Vân Nga làm vợ của hai vua là Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, mà còn có công chúa Ngọc Bình (em gái cùng cha khác mẹ với công chúa Ngọc Hân, con của vua Lê Hiển Tông) cũng làm vợ hai vua là Cảnh Thịnh (tức Quang Toản, con trai Quang Trung) và Gia Long (tức Nguyễn Ánh).

Mối tình này đã được thể hiện rất đẹp qua vở cải lương Chân mệnh của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, vừa công diễn tại TP.HCM.
Sách sử không ghi lại nhiều, nhưng tác giả Huyền Trân và Hoàng Song Việt đã thả vào mối tình đó những suy cảm hợp lý, cho nên chinh phục được khán giả. Suy cảm trên tính cách của Ngọc Bình và Nguyễn Ánh, một người trâm anh đài các, giỏi thơ văn, đồng cảm cùng nhân dân, còn một người cũng dòng dõi chúa Nguyễn tài giỏi, chí khí.
Nguyễn Ánh thiếu gì cung phi mỹ nữ, nhưng ông giữ lại Ngọc Bình cũng có lý do riêng. Ở đây, tác giả đã cho hai người đối mặt nhau trong những tranh luận giữa kẻ thắng người thua, lẫn trong sự chở che, gần gũi của nam nữ thường tình, để từ đó bật ra được sự rung cảm của hai trái tim đồng điệu.
Khéo léo hơn hết là hư cấu những nhạc khúc tuyệt đẹp của cây kèn lá và chiếc sáo trúc như chiếc cầu nối hai tâm hồn với nhau. Trong cảnh hoang tàn của cuộc chiến, trong sự chiếm hữu tất yếu của bên thắng cuộc, bỗng sáng lên một điểm rất nhân văn, rất đời thường, rất bình yên, xóa nhòa ranh giới được mất thắng thua, khắc họa một Nguyễn Ánh cũng biết rung động, si tình như bất cứ người đàn ông nào khác.
Nguyễn Ánh đã mềm lòng trước hồng nhan bạc phận, trước tài hoa nghệ thuật, trước thanh khiết thủy chung mà Ngọc Bình hầu như có đủ. Mà cốt cách thanh nhã của Ngọc Bình cũng đủ làm Nguyễn Ánh tôn phục. Thế nên ông ôm bà vào đôi tay của ông cũng không có gì khó hiểu. Lồng vào câu chuyện tình ấy là sự biến động thời cuộc, quan niệm về chiến tranh và hòa bình, những đau thương mất mát người dân phải gánh chịu.
Vở diễn không chỉ chặt chẽ về nội dung, ca từ và lời thoại đầy chất văn học, mà còn rất đẹp về trang trí, ánh sáng, ca khúc được viết mới thật ngọt ngào, thanh nhã.
Nghệ sĩ toàn là lớp trẻ nhưng biểu diễn xuất thần. NSƯT Quế Trân toát lên nét trâm anh lẫn mong manh của Ngọc Bình công chúa. Một vai diễn ấn tượng của Quế Trân sau nhiều năm không có vai nào nặng ký cho cô thi thố.
Riêng Minh Trường vào vai Nguyễn Ánh hay đến bất ngờ. Giọng ca trầm ấm, giọng nói uy nghiêm, khi cần trữ tình thì lại rất trữ tình, quả không hổ danh là quả chuông vàng của Chuông vàng vọng cổ 2014. Lê Thanh vào vai Quốc công Nguyễn Huỳnh Đức cũng có giọng ca truyền cảm lạ lùng. Lâu lắm rồi mới được xem một vở cải lương đẹp đến như thế. Sự thật, đây là vở diễn tốt nghiệp của đạo diễn Nguyễn Thanh Bình, nhưng vì quá hay nên mạnh dạn dựng lại để công diễn bán vé. Đêm mưa tầm tã mà khán phòng không còn một ghế trống. Cải lương đâu đã hết tri âm!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.