Chuyên gia Ấn Độ giúp ‘hồi sinh’ 3 nhóm tháp tại khu đền tháp Mỹ Sơn

Mạnh Cường
Mạnh Cường
20/12/2022 14:11 GMT+7

Sau thời gian dài gia cố, trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh, các nhóm tháp A, K, H tại khu đền tháp Mỹ Sơn đã được “hồi sinh” để trả lại dáng vẻ ban đầu.

Sáng 20.12, tại Khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam), UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp Bộ VH-TT-DL và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức lễ tổng kết, bàn giao dự án trùng tu các nhóm K, H, A tại khu đền tháp Mỹ Sơn.

Tái hiện nét văn hóa Chămpa

mạnh cường

Sau 6 năm triển khai (từ 2017-2022), các chuyên gia Ấn Độ cùng các đơn vị của Việt Nam đã tham gia dự án đã tiến hành gia cố, trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh các nhóm tháp A, K, H trả lại dáng vẻ ban đầu như khi người Pháp phát hiện ra, được các chuyên gia trong nước, quốc tế và du khách đánh giá cao.

Theo đó, trong quá trình phát lộ trùng tu đã phát hiện hàng trăm hiện vật có giá trị, nhiều hiện vật lần đầu mới phát hiện tại Mỹ Sơn. Trong đó, có tượng thần Visnu, tượng chim thần Gruda ở khu tháp A, bức phù điêu trong lòng tháp A13. Đặc biệt là phát hiện đài thờ Linga - Yoni liền khối lớn nhất của nền điêu khắc Chămpa được tìm thấy đến nay. Hiện đài thờ Linga - Yoni liền khối này đã được công nhận Bảo vật quốc gia.

Dự án cũng đã tiếp tục đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề (có thời điểm hơn 100 công nhân trên công trường), tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm tại địa phương.

Khu tháp A được "hồi sinh" sau thời gian dài trùng tu, tôn tạo

mạnh cường

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết dự án bảo tồn, tôn tạo các nhóm tháp A, K, H ở Mỹ Sơn được khởi công từ năm 2017 theo Bản ghi nhớ ngày 28.10.2014 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ về việc “Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn”.

Đây là nhóm kiến trúc bị tàn phá nặng nề do thời gian và chiến tranh. Dự án được các bên triển khai thận trọng, tuân thủ nguyên tắc trùng tu khảo cổ học.

Quá trình thực hiện dự án diễn ra trong thời gian dài, gặp không ít trở ngại, nhất là ảnh hưởng của 2 năm đại dịch Covid-19, đã tác động gây khó khăn trong việc liên kết, kết nối, xúc tiến thành phần dự án; đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật và công nhân phải vừa thực hiện công tác trùng tu vừa thực hiện giãn cách.

Khu tháp A được trả lại như ban đầu

mạnh cường

Tuy nhiên, với sự quyết tâm của các bên tham gia dự án, sự đồng lòng, nỗ lực của đội ngũ chuyên gia và cán bộ kỹ thuật, sau 6 năm thực hiện, dự án đã hoàn thành và đảm bảo đúng các nguyên tắc về bảo tồn di tích và đánh giá cao. Qua đó, khắc phục được tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các di tích, góp phần phục hồi, hoàn thiện không gian kiến trúc Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Cũng theo ông Tân, đây sẽ là tiền đề tốt để cho việc xúc tiến công tác hợp tác trùng tu nhóm tháp F tại khu đền tháp Mỹ Sơn, trong năm tới cũng như xem xét một số công trình kiến trúc thuộc khu E và A’ trong tương lai.

“Kết quả thực hiện của dự án bảo tồn, tôn tạo Khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn là một bằng chứng sinh động về tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác đầy hiệu quả của Chính phủ và nhân dân 2 nước Việt Nam - Ấn Độ”, ông Tân khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.