Chủ tịch Quốc hội: Xử lý gần 1.000 dự án thất thoát, lãng phí còn rất chậm

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/11/2023 14:06 GMT+7

Cho rằng việc xử lý trách nhiệm với gần 1.000 dự án có thất thoát, lãng phí còn rất chậm, chưa có chuyển biến thực chất theo Nghị quyết 74 về giám sát tối cao việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, nếu cần Quốc hội sẽ tái giám sát.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 6 sáng 8.11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong hơn 2 ngày qua, đã có 457 đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 đại biểu thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 38 lượt tranh luận.

"Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các phó thủ tướng và 21 bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội", theo Chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội: Xử lý gần 1.000 dự án thất thoát, lãng phí còn rất chậm - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn

GIA HÂN

Với phạm vi chất vấn rất rộng, Chủ tịch Quốc hội đánh giá các đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề.

Về vấn đề trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành đã nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp khắc phục.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về chất vấn vào cuối kỳ họp.

Chưa có những chuyển biến thực chất

Nhấn mạnh các nội dung của từng nhóm lĩnh vực chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh định hướng rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi.

Trong lĩnh vực kinh tế tổng hợp, Chủ tịch Quốc hội đề cập việc ưu tiên thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; triển khai giải pháp nâng cao tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Đi kèm với việc giải quyết dứt điểm tài sản công dôi dư sau khi sáp nhập huyện, xã, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thực hiện có hiệu quả và thực chất phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và các dự án, doanh nghiệp thua lỗ. Tiếp tục quan tâm phát triển thị trường vốn; cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chủ tịch Quốc hội: Xử lý gần 1.000 dự án thất thoát, lãng phí còn rất chậm - Ảnh 2.

Phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ kết thúc sau hơn 2 ngày

GIA HÂN

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, nghiêm túc thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị trong Nghị quyết 74 năm 2022 của Quốc hội về giám sát tối cao việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

"Nếu cần thiết thì chúng ta sẽ tái giám sát nội dung này vì quá trình thực hiện nói chung còn rất chậm, chưa có những chuyển biến thực chất với việc rà soát, xử lý trách nhiệm với những tổ chức, cá nhân, đối với danh mục dự án, công trình có thất thoát lãng phí đã được chỉ ra rất đầy đủ trong Nghị quyết 74 này", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Xử lý dứt điểm vướng mắc dự án BOT

Với lĩnh vực kinh tế ngành, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khẩn trương phê duyệt, triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII; xây dựng, ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Mặt khác, theo Chủ tịch Quốc hội, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án, công trình trọng điểm.

Trong năm 2024, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xử lý dứt điểm các vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT; huy động hiệu quả nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.

Cùng đó, đẩy mạnh phân cấp, triển khai hiệu quả đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 và đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội… cũng là nội dung được Chủ tịch Quốc hội lưu ý khi nhắc tới nhóm lĩnh vực này.

Triển khai kịp thời chính sách cải cách tiền lương

Trong lĩnh vực nội chính, tư pháp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần sớm hoàn thành có chất lượng hệ thống vị trí việc làm trong toàn bộ hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương; xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024.

Chủ tịch Quốc hội: Xử lý gần 1.000 dự án thất thoát, lãng phí còn rất chậm - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc xử lý gần 1.000 dự án có thất thoát, lãng phí còn chậm

GIA HÂN

Đi kèm với đó, cần có giải pháp đồng bộ để giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập nhiệm vụ đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai"; nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tăng cường công tác kiểm toán, thanh tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công.

Đề cập đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu quan tâm bố trí nguồn lực cho giáo dục, đào tạo và văn hóa; xây dựng, trình Quốc hội ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam tại kỳ họp gần nhất.

Trong việc phát triển nguồn nhân lực, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030.

Về y tế, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong năm 2024 phải có phương án giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập, sớm đưa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam vào hoạt động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.