Chàng trai giúp hàng ngàn trẻ em về kỹ năng phòng, chống đuối nước

Thanh Nam
Thanh Nam
(thực hiện)
01/06/2023 06:00 GMT+7

Xác định phòng, chống đuối nước cần thiết thực hơn, không chỉ dừng ở mức đưa ra những thông điệp cảnh báo hiểm nguy, chàng trai Mai Văn Chuyền từ tháng 10.2022 đã đến 31 trường học ở Đắk Lắk để giúp học sinh về các kỹ năng cơ bản phòng, chống đuối nước.

Anh Mai Văn Chuyền (36 tuổi), đang là giáo viên Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M'droh, H.Cư M'gar, Đắk Lắk), người sáng lập câu lạc bộ "Vì đàn em thân yêu" trực thuộc sự quản lý của Hội đồng Đội H.Cư M'gar, và là thành viên mạng lưới Trung tâm tình nguyện quốc gia của T.Ư Đoàn.

Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với chàng trai luôn đau đáu và trăn trở vì đàn em thân yêu.

Chàng trai giúp hàng ngàn trẻ em về kỹ năng phòng, chống đuối nước  - Ảnh 1.

Anh Mai Văn Chuyền tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ em để chung tay ngăn chặn tình trạng đuối nước

NVCC

HÀNH ĐỘNG ĐỂ GIẢM THIỂU ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM

Dưới quan sát của một người trẻ luôn hành động vì trẻ em, theo anh đâu là vấn đề nổi cộm nhất liên quan đến cuộc sống trẻ em hiện nay?

Có rất nhiều thứ đáng bàn về điều này. Tuy nhiên theo quan sát của mình, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn có tình trạng đuối nước ở trẻ em tăng cao. Đặc biệt là ở các thôn buôn vùng sâu, những vụ việc đuối nước không chỉ có một nạn nhân mà còn là nhiều em cùng bị một lúc, và thường rơi vào những gia đình có điều kiện khó khăn… Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH tỉnh, năm 2021 toàn tỉnh có 69 trường hợp, năm 2022 có 80 trường hợp trẻ em bị đuối nước.

Anh hiến kế gì để ngăn ngừa và kéo lùi những tai nạn thương tâm của thực trạng này?

Mình nhận thấy dạy bơi và trẻ em biết bơi vẫn chưa phải là giải pháp toàn diện để phòng ngừa đuối nước hiệu quả. Do đó, mình đã đến các trường học trên địa bàn để phổ biến kiến thức kỹ năng phòng chống đuối nước nhằm giúp các em nhận biết được những nguy hiểm để tránh xa, biết cách đảm bảo an toàn khi gặp người đuối nước.

MAI VĂN CHUYỀN

Từ năm 2021 đến nay, với sự hỗ trợ của cộng đồng, chúng mình đã huy động mua sắm được 3 bể bơi di động (2 bể tại H.Cư M'gar, 1 bể tại H.Krông Bông) với mong muốn các bể bơi đến với các thôn buôn, vùng sâu, để giúp các em được tập bơi, được dạy bơi miễn phí. Trong hai năm 2021 - 2022 đã có hơn 300 trẻ em được học bơi và tiếp cận các kỹ năng an toàn.

Tuy nhiên, khi triển khai dạy bơi cho các em, mình nhận thấy dạy bơi và trẻ em biết bơi vẫn chưa phải là giải pháp toàn diện để phòng ngừa đuối nước hiệu quả. Do đó, mình đã đến các trường học trên địa bàn để phổ biến kiến thức kỹ năng phòng chống đuối nước nhằm giúp các em nhận biết được những nguy hiểm để tránh xa, biết cách đảm bảo an toàn khi gặp người đuối nước. Đặc biệt là kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên, cha mẹ học sinh. Bởi lẽ không phải ở đâu, lúc nào khi trẻ bị đuối nước cũng có ngay lực lượng y tế, cứu hộ để cấp cứu các em, việc người lớn sơ cứu tốt cũng sẽ giúp giảm thiểu tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước.

Cụ thể, từ tháng 10.2022 đến nay, mình đã đến 31 trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và trang bị cho hơn 17.000 học sinh về những kỹ năng cơ bản. Qua đó tạo được những tín hiệu tích cực, sự quan tâm của cộng đồng.

Chàng trai giúp hàng ngàn trẻ em về kỹ năng phòng, chống đuối nước  - Ảnh 3.

Anh Mai Văn Chuyền (người cầm gậy) hướng dẫn kiến thức về tai nạn thương tích phòng chống đuối nước

CẦN QUAN TÂM ĐẾN NHỮNG THAY ĐỔI, BIỂU HIỆN CỦA TRẺ

Trẻ em đã và đang đối mặt với nhiều mối nguy như: bạo lực học đường, thiếu ăn thiếu mặc, xâm hại tình dục, bắt nạt trên mạng..., là người làm công tác thiếu nhi lâu năm, theo anh cần làm gì để trẻ em có được cuộc sống an toàn?

Gia đình là gốc rễ của xã hội, đó là hình mẫu tác động đến nhận thức, suy nghĩ và thói quen của trẻ. Do vậy gia đình có tầm quan trọng đến nhân cách của trẻ em. Quả thật hiện nay có rất nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn tác động đến vấn đề phát triển của trẻ em như bạo lực học đường, dinh dưỡng, thuốc lá điện tử… Thế nên ngoài việc cho trẻ đến trường học tập thì cha mẹ cũng cần quan tâm đến những thay đổi, những biểu hiện của trẻ để kịp thời điều chỉnh các hành vi lệch chuẩn, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ. Có như vậy thì công tác phối hợp giáo dục giữa các lực lượng trong toàn xã hội đối với trẻ em sẽ đảm bảo hiệu quả hơn.

Sau nhiều chương trình, anh tiếp tục làm gì nữa để giúp trẻ em, nhất là trẻ ở vùng sâu, vùng xa?

Chàng trai giúp hàng ngàn trẻ em về kỹ năng phòng, chống đuối nước  - Ảnh 4.

Anh Mai Văn Chuyền đã giúp đỡ rất nhiều trẻ em ở miền quê Đắk Lắk

Trẻ em là tương lai của đất nước. Trẻ em ở đâu cũng xứng đáng được vui chơi và sáng tạo. Các em cần được đảm bảo an toàn để phát triển lành mạnh.

Đã có nhiều chương trình chăm lo trong công tác giáo dục thiếu niên và nhi đồng, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em được phát triển toàn diện. Nhưng tại các vùng sâu, vùng xa, trẻ em còn thiếu nhiều sân chơi, thiếu các hoạt động để bồi dưỡng, phát triển năng khiếu của mình. Đặc biệt là sự quan tâm của cha mẹ về vấn đề phối hợp giáo dục, chăm sóc trẻ em còn nhiều hạn chế. Trẻ em ở đây còn thiếu nhiều phương tiện, dụng cụ, các hoạt động để học tập và rèn luyện.

Do vậy mình mong muốn sẽ là cầu nối để gắn kết những tấm lòng yêu thương của cộng đồng đến với các em, đặc biệt là các em ở vùng sâu, vùng xa, các em là người dân tộc thiểu số.

Là một nhà giáo, mình mong muốn trẻ em được chăm lo, hỗ trợ toàn diện để phát triển. Sự chăm lo đó không chỉ là việc học, mà còn là việc hướng dẫn trẻ em vui chơi, rèn luyện, được đảm bảo an toàn. An toàn ở đây là để phòng ngừa tai nạn thương tích, đuối nước, cũng như an toàn trong các hoạt động đảm bảo luật Trẻ em tại địa phương… Ngoài ra, cần sự quan tâm chăm sóc của phụ huynh đến các điều kiện về học tập, và tinh thần cho trẻ em tại nhà, cũng như sự yêu thương của thầy cô giáo dành cho học sinh tại nhà trường.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.