Anh Thái Thanh Nhật Quang đọc lại một lần nữa bức thư dài 6 trang mà một bạn trẻ gửi tới, một người làm việc cho nhiều công ty thời trang và từng mắc chứng rối loạn lo âu nặng trong suốt 4 năm. Thư không kể khổ, mà viết về duyên may gặp được những người đã giúp mình thoát ra khỏi những ngày rối loạn ấy cũng như nhiều điều anh tự rút ra và muốn chia sẻ lại cho người cùng cảnh ngộ. 

“Một lá thư 6 trang chia sẻ hành trình 4 năm như đi trong bóng đêm, phải tự tìm đường ra để thoát khỏi trầm cảm. Có nhiều trường hợp như thế, họ rất khó khăn trong quá trình tìm biện pháp để thoát ra và tôi muốn tạo ra giải pháp hỗ trợ”, anh Quang nói về một phần hành trình ZenMe của mình.

Hành trình đó mới bắt đầu từ khoảng một năm trước và sẽ đạt cột mốc quan trọng trong tháng 1 này khi nền tảng ZenMe chính thức ra mắt. Nhưng nó đã được tích lũy từ nhiều trải nghiệm của vị CEO này trong nhiều năm trên các vị trí khác nhau trong lĩnh vực công nghệ, kinh doanh và chiến lược.

Khám phá đa dạng văn hóa là một trong những điều Thái Quang yêu thích


Anh đang có một sự nghiệp vững chắc tại châu Âu với vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách chiến lược, kinh doanh và công nghệ của tập đoàn khách sạn tỉ đô Louvre Hotels Group. Nếu muốn anh cũng sẽ có một vị trí tốt ở Mỹ, nơi anh từng thành công. Tại sao anh lại quyết định trở về Việt Nam và khởi nghiệp? 

CEO Thái Thanh Nhật Quang: Thời điểm Covid-19 bùng phát, bố mẹ sang thăm tôi ở Pháp và kẹt lại 6 tháng ở đó. Hàng ngày tôi sống gần ông bà hơn và nhận ra mình cần phải trở về. Đầu năm 2021, tôi về Việt Nam và nhận chức vụ Tổng giám đốc cho một đơn vị trực thuộc tập đoàn VinGroup. Tại đây, tôi có cơ hội làm việc với nhiều người xuất sắc. Tuy nhiên, tôi vẫn ấp ủ ước mơ áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm của bản thân để góp phần giải quyết bài toán xã hội về sức khỏe tinh thần, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Chính vì thế, tôi đã quyết định khởi nghiệp với start-up ZenMe.  

Thái Quang có nhiều năm sống và làm việc ở nước ngoài

Tôi thấy anh dùng từ sức khỏe tinh thần, tôi lại nghe các chuyên gia tâm lý dùng từ sức khỏe tâm thần. Cái gì làm anh muốn sẽ bắt đầu ZenMe ở Việt Nam chứ không phải ở nước ngoài, những nơi anh đã từng làm và cũng có cơ hội. Vì sao anh nghĩ ZenMe sẽ thành công ở Việt Nam, khi các dịch vụ tư vấn tâm lý trong nước hiện rất sơ khai.

Việc sống và làm việc tại các nước phát triển đã cho tôi cơ hội để thấy rằng các vấn đề về sức khỏe tinh thần ở Việt Nam rất tương đồng so với các quốc gia ấy. Tuy nhiên, mức độ xã hội chấp nhận nó tại nước mình lại thua xa. Hệ thống của chúng ta cũng chưa có nhiều dịch vụ hỗ trợ cho vấn đề này. 

Khi cùng bạn bè trò chuyện, tôi nhận ra có khoảng 70-80% trong số họ đều có ít nhất một người trong gia đình hoặc bạn bè gặp phải vấn đề sức khỏe tinh thần. Đa số người trầm cảm đó cũng còn trẻ. Họ không biết chia sẻ với ai về những vấn đề của mình, phải tìm hiểu và chữa lành một mình qua những nguồn khác nhau. Họ không muốn đến các cơ sở y tế hoặc dịch vụ tham vấn tâm lý vì sợ bị gán nhãn bằng từ "tâm thần". Tôi dùng từ sức khỏe tinh thần vì thế. Với nhiều người, trầm cảm rồi tâm thần là từ, là bệnh mà họ rất sợ.

Nhưng đúng trầm cảm là một bệnh mà...

Nó đang bị coi là “bệnh xấu”. Tức là người bị bệnh này không được “thương” như những bệnh khác. Nhiều người thành kiến với trầm cảm, thành kiến với bệnh tâm thần. Trong khi đó, theo nghiên cứu, ít nhất 80% con người đều sẽ gặp vấn đề về tinh thần trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời. Vấn đề tinh thần có thể xuất hiện dưới nhiều mức độ khác nhau, và hầu hết các trường hợp này đều có thể giải quyết nhanh chóng để không trở thành “bệnh” nếu có phương pháp đúng. Đó chính là mong muốn của ZenMe.

Anh là người làm toán, làm công nghệ. Bài toán cần giải với ZenMe là gì, anh giải nó thế nào.

Rà soát các giải pháp chữa trị, tôi thấy có một phương pháp đã được áp dụng từ xa xưa rồi, đó là trị liệu theo nhóm. Đó cũng là cách từ xưa dùng cho các nhóm cai nghiện. Thường các nhóm có  trên dưới 10 người, với 1 người dẫn dắt và họ cùng chia sẻ với nhau. Mọi người chia sẻ được với nhau vì có cùng vấn đề và hiểu nhau. Có nghĩa là nhóm có cùng vấn đề, cùng đam mê, có cùng người dẫn dắt thì sẽ làm được. 

Nhưng trị liệu nhóm kiểu này sẽ khó mở rộng cho xã hội. Giá cả rất đắt, ở Việt Nam là 1-2 triệu đồng/giờ trị liệu tâm lý. Thêm vào đó, khi làm những vòng offline như thế, số lượng người tham dự sẽ chỉ dừng ở số nhỏ thôi. Ta không thể nào mở rộng ra được vì cái phòng chỉ có vậy thôi, người trị liệu cũng chỉ nói được với 10 người thôi. Rồi chẳng ai muốn lộ mặt cả, họ đều ẩn danh. Cuối cùng là không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận các nhóm trị liệu như vậy do không biết rồi đi lại. Cho nên trị liệu nhóm hiệu quả nhưng chỉ cho nhóm nhỏ. 

Tôi lùi lại và tự hỏi, thế mình có giải quyết được những cái đó không. À, chúng tôi có thể cách giải quyết tất cả 4 vấn đề đấy bằng công nghệ. Tôi xây dựng mạng cộng đồng ZenMe trên tất cả những cái đó. Mọi người có thể ẩn danh vào thảo luận và cùng chia sẻ, cùng thực hành những điều tốt cho thực trạng của họ.

Được định vị là "mạng cộng đồng" hỗ trợ mọi người phát triển Thân - Tâm - Trí, anh nghĩ ZenMe sẽ có gì khác biệt so với mạng xã hội như Facebook?

Đặc trưng của mạng xã hội (social network) là để người dùng kết bạn tối đa và chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống. Còn mạng cộng đồng (social circle) là một tập hợp các nhóm năng động, chủ trương chia sẻ có chọn lọc. 

Mạng xã hội Facebook cấp cho mỗi cá nhân một “ngôi nhà” riêng để họ tự tỏa sáng và kết nối với càng nhiều người càng tốt. Còn mạng cộng đồng ZenMe bao gồm nhiều cộng đồng nhỏ. Ví dụ: cộng đồng trị liệu tâm lý, cộng đồng yoga, cộng đồng thiền, trà đạo… Những cộng đồng này cùng chung mục tiêu cân bằng Thân - Tâm - Trí và cùng hành động để hình thành những thói quen tốt hàng ngày. User là thành viên tham gia, dưới sự hướng dẫn của các Zentor. Zentor là những người có chuyên môn như chuyên gia tâm lý, huấn luyện viên dinh dưỡng, giáo viên yoga…

ZenMe đề cao chất lượng kết nối giữa các thành viên trong cộng đồng. Các Zentor hỗ trợ User phát triển các thói quen tốt để thay đổi cuộc sống của chính mình. Nếu Facebook đề cao mục đích doanh thu đến từ quảng cáo, thì ZenMe lại đặt mục tiêu mang lại giá trị cho người dùng là ưu tiên hàng đầu, doanh thu sẽ là thứ đến sau. 

Anh là một doanh nhân, và anh nói mục tiêu doanh thu chỉ là thứ yếu khi làm start-up ZenMe?

Tôi luôn tâm niệm rằng khi mang lại giá trị đủ lớn thì giá trị kinh tế sẽ là một hệ quả tất yếu. 

Anh có nghĩ đây là cuộc cạnh tranh với Facebook?

ZenMe không trực tiếp cạnh tranh với Facebook vì chúng tôi bắt đầu bằng những mục tiêu khác nhau, và sẽ giải quyết những bài toán khác nhau.

Mục đích hàng đầu của ZenMe là giúp đỡ, hỗ trợ sự hình thành và phát triển những thói quen tốt qua những hoạt động hằng ngày. Với mục đích như vậy, thuật toán của ZenMe sẽ rất khác với các mạng xã hội. Nếu người dùng Facebook thích yoga, họ sẽ được giới thiệu rất nhiều lớp học yoga kể cả khi đang hài lòng với lớp yoga của mình. Còn với ZenMe, nếu người dùng đã tham gia một lớp yoga, thuật toán sẽ giới thiệu thêm các lớp học “gần gũi” yoga như thiền, trà đạo. Ở một khía cạnh nào đó, ZenMe sẽ hỗ trợ người dùng có một cái nhìn toàn diện về các lựa chọn phát triển bản thân.

Start-up ở một lĩnh vực còn nhiều mới mẻ, anh sẽ làm thế nào để tránh khỏi những vấn đề phát sinh?

- Tôi xác định sẽ luôn có phát sinh ngoài ý muốn. Vậy câu hỏi cần đặt ra sẽ là làm thế nào để phát hiện vấn đề, tìm ra giải pháp và giải quyết những vấn đề đó một cách nhanh nhất. Kinh nghiệm của tôi là việc này cần thông qua việc nhận biết khách hàng ưu tiên của bạn là ai, luôn sát cánh, lắng nghe họ và cùng họ hành động nhanh nhất có thể. Đối với ZenMe, chúng tôi có một đội ngũ Zentor Care xuất sắc luôn luôn đồng hành với các Zentor, và tôi trực tiếp lãnh đạo đội ngũ này. Tôi gặp mặt, làm việc và tham gia lựa chọn tất cả các Zentor, có nghĩa mỗi ngày tôi bỏ ra ít nhất 4 tiếng ở “tiền tuyến”. 

Mong muốn của anh bây giờ là gì? 

Tôi hy vọng sẽ thu hút nhiều hơn nữa những người có chung mục tiêu và chí hướng để phát triển ZenMe nhanh nhất có thể. Trên con đường này, tôi chỉ là người đặt những viên gạch đầu tiên và rất cần những nguồn lực chất lượng cả về tài năng, tâm huyết và tài chính để tăng tốc sau này. Khi đó, ZenMe không chỉ mang lại giá trị cho người Việt mà còn lan tỏa trên toàn thế giới. 

Báo Thanh Niên
11.01.2023

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.