Cảnh giác với EV71

19/06/2023 04:17 GMT+7

Tôi còn nhớ như in hình ảnh lặng lẽ của người mẹ ấy khi chúng tôi đến thăm gia đình có người mất vì sốt xuất huyết, đó là một em bé 8 tuổi.

Ðường vào nhà bệnh nhân, hai bên có nhiều ly, hộp, đồ phế thải vương vãi khắp nơi. Trong căn nhà liêu xiêu ấy hình ảnh của một đứa trẻ chỉ còn lưu lại là cái bàn học con con với vài tấm giấy khen.

Trong khi đó, từ đầu tháng 6, khi số ca tay chân miệng bắt đầu tăng cùng với phát hiện tác nhân gây bệnh là Entero vi rút 71 (EV71), ngành y tế đã phát tín hiệu báo động. Sau nhiều năm không có trường hợp nào tử vong vì tay chân miệng thì năm nay đã có ở khu vực phía nam. Điều này khiến tôi nhớ đến đợt dịch tay chân miệng vào năm 2011, 2018 cũng với tác nhân EV71, nhớ đến gương mặt thất thần của phụ huynh vì không thể tin rằng con mình ra đi nhanh như thế.

Nhận định tình hình dịch bệnh năm nay diễn biến phức tạp khi cả tay chân miệng và sốt xuất huyết sẽ cùng gia tăng, ngành y tế đã triển khai hàng loạt biện pháp từ giám sát dịch bệnh, quản lý các yếu tố nguy cơ gây bệnh, chuẩn bị thuốc, vật tư y tế, tập huấn lại công tác dự phòng cũng như điều trị cho cán bộ y tế.

Theo quy luật, khi dịch bệnh gia tăng, số ca mắc bệnh tăng, số ca bệnh nặng tăng theo sẽ dẫn đến xuất hiện trường hợp tử vong. Vậy thì ta cần làm gì trước quy luật này? Đó là thực hiện các biện pháp phòng bệnh để số ca bệnh, số ca nhập viện ở mức độ được kiểm soát, để ngành y tế có đủ nguồn lực tập trung điều trị ca nặng, hạn chế thấp nhất số ca tử vong. Để làm được như vậy thì bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền thì cần lắm sự chung sức của tất cả mọi người.

Nói về sốt xuất huyết, phòng bệnh quan trọng nhất là diệt lăng quăng, không để cho muỗi có chỗ đẻ trứng. Chính vì nguyên tắc này mà TP.HCM từ năm ngoái đã phát động phong trào triệt nơi sinh sản của muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Ngành y tế cũng đã phân loại lại các điểm nguy cơ lây truyền bệnh để chính quyền địa phương tập trung nguồn lực giải quyết. Nhưng sẽ không thể thành công nếu không có sự tham gia của mỗi người chúng ta.

Lăng quăng thường xuất hiện ở những nơi mà ta không ngờ tới, ở những đồ vật bị bỏ quên. Các vật phế thải như ly nhựa, vỏ hộp cơm, vỏ dừa… là nơi đẻ trứng lý tưởng của muỗi khi đọng nước. Chúng cần được dọn dẹp và đổ vào thùng kín. Vật dùng để chứa nước trong nhà như khay hứng nước của máy lạnh, khay hứng nước bình nóng lạnh, hoặc các lọ hoa, chậu cây trong nhà… cũng là nguồn tiềm ẩn nguy cơ cần được làm sạch định kỳ và không để nước dư thừa.

Tay chân miệng lây qua vật dụng và đặc biệt là bàn tay có dính vi rút gây bệnh. Bàn tay dính vi rút chưa được rửa sạch khi đưa lên mắt, mũi, miệng sẽ đưa vi rút xâm nhập vào cơ thể. Chính vì thế rửa tay cho trẻ và cho cả người chăm sóc trẻ là biện pháp quan trọng hàng đầu.

Những năm qua, TP.HCM không ghi nhận trường hợp tử vong do tay chân miệng. Điều này một phần là do phụ huynh luôn theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ, đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường. Năm nay trước sự xuất hiện của EV71, phụ huynh hãy nhớ cảnh giác, theo dõi trẻ kỹ hơn.

Chỉ cần dành 15 phút mỗi tuần tìm và xử lý những vật chứa có thể đọng nước tại nơi mình sinh sống. Và hãy nhớ thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho mình và cho trẻ. Dễ dàng để chung sức với cộng đồng!


* Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.