Bảo vệ dân phố và công an xã bán chuyên trách sẽ có tên gọi mới

27/03/2023 07:47 GMT+7

Bộ Công an đề xuất thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở, gồm công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và đội trưởng, đội phó dân phòng.

Bộ Công an đang chủ trì xây dựng luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Bộ này đề xuất thành lập lực lượng có tên gọi "lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở", bằng việc gộp chung công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và đội trưởng, đội phó dân phòng.

Bảo vệ dân phố và công an xã bán chuyên trách sẽ có tên gọi mới - Ảnh 1.

Bộ Công an đề xuất thành lập lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, gồm công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và đội trưởng, đội phó dân phòng

T.H

Không tăng biên chế, không "phình" ngân sách

Theo Bộ Công an, toàn quốc đã hoàn thành việc bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh trưởng công an xã, phó trưởng công an xã và công an viên. Đồng thời, gần 71.000 công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về các nhiệm vụ mà lực lượng công an xã bán chuyên trách được thực hiện, cũng như thay đổi tên gọi của lực lượng này để phân biệt với tên gọi của các chức danh công an xã chính quy.

Cùng với đó, nhiều nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có tác động trực tiếp đến người dân và có liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp phải được quy định trong văn bản luật.

Vì vậy, Bộ Công an đề xuất xây dựng luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để thực hiện sắp xếp, kiện toàn các lực lượng, chức danh tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo hướng thống nhất, tinh gọn đầu mối.

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ bao gồm: công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và đội trưởng, đội phó dân phòng. Lực lượng này được bố trí tại thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

Hiện có gần 71.000 công an bán chuyên trách làm nhiệm vụ, 66.700 bảo vệ dân phố và hơn 161.000 đội trưởng, đội phó dân phòng. Nếu gộp chung cả ba thành lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, số lượng là khoảng 300.000 người.

Con số có vẻ lớn, nhưng Bộ Công an khẳng định khi thành lập lực lượng với tên gọi mới sẽ không làm phát sinh biên chế tổ chức cũng như chi phí vận hành. Bởi lẽ, những người dự kiến thuộc lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đều được hưởng chế độ phụ cấp từ ngân sách theo vị trí mà họ đang thực hiện.

Bảo vệ dân phố và công an xã bán chuyên trách sẽ có tên gọi mới - Ảnh 2.

Anh Lê Trường Hải (phải), tổ phó tổ bảo vệ dân phố, khu phố 10, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM, người từng tham gia trên 100 vụ bắt tội phạm

NHẬT THỊNH


Được trang bị công cụ hỗ trợ, phù hiệu, giấy chứng nhận

Theo dự thảo luật được Bộ Công an đăng tải, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ do quần chúng tự nguyện tham gia, được tuyển chọn dựa trên đáp ứng đủ các tiêu chuẩn (đủ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam/nữ, lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ văn hóa và nơi cư trú ổn định…).

Lực lượng này chịu sự giám sát bởi HĐND xã; quản lý, điều hành, chỉ đạo bởi UBND xã và hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn của công an xã chính quy.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thực hiện công tác thu thập, tổng hợp, đánh giá về tình hình ANTT trên địa bàn phụ trách và báo cáo công an cấp xã trực tiếp quản lý.

Ví dụ như các mâu thuẫn xã hội, vụ việc tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng, vi phạm trật tự an toàn giao thông, tệ nạn xã hội; tình hình hoạt động của bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp tại ngoại, người được hưởng án treo…

Ngoài ra, phối hợp, hỗ trợ cơ quan chức năng tổ chức phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm ANTT trên địa bàn phụ trách; phối hợp với công an thực hiện kiểm tra hộ khẩu, nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng.

Lực lượng này còn có quyền bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã; tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng truy bắt người phạm tội đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đang lẩn trốn trên địa bàn.

Lực lượng được trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; được trang bị, sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận.

Trường hợp bị thương thì được xét hưởng chính sách như thương binh, nếu hy sinh thì được xét công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an cho biết, các chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Đối với chức danh đội viên đội dân phòng và tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, chế độ, chính sách của lực lượng dân phòng tiếp tục thực hiện theo quy định của luật Phòng cháy và chữa cháy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.