Bánh đa Kế về Quảng Ninh

21/05/2013 09:37 GMT+7

Ở TP.Hạ Long, Quảng Ninh có một xưởng bánh đa toàn phụ nữ, chủ cơ sở cũng là một phụ nữ người làng Kế, từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân.

Ở TP.Hạ Long, Quảng Ninh có một xưởng bánh đa toàn phụ nữ, chủ cơ sở cũng là một phụ nữ người làng Kế, từng tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế quốc dân.

Xưởng bánh nằm sâu trong một con ngõ dưới chân núi P.Hà Khánh, TP.Hạ Long. Gần 20 năm trước, nơi đây là một cái nhà lụp xụp, mùa mưa nước dâng, gia đình phải đóng cọc tre khắp sân lấy chỗ phơi bánh đa, nay đã thành xưởng bánh xinh xắn, mỗi ngày ra lò 1.000 sản phẩm.

Chủ xưởng là chị Bùi Thị Mai Hoa, năm nay 43 tuổi. Trừ chồng chị Hoa, anh Nguyễn Thanh Sơn làm công việc xay bột, tráng bánh theo công thức gia truyền của người làng Kế (xã Dĩnh Kế, TP.Bắc Giang, nơi có nghề bánh đa nổi tiếng), còn lại đều là phụ nữ. Lúc cao điểm, cả xưởng có 27 nhân viên.

Bánh đa Kế về Quảng Ninh
Các nữ công nhân đang tráng bánh lúc sáng sớm - Ảnh: Thúy Hằng

Năm 1995, anh chị Hoa thôi việc ở Công ty phân đạm Bắc Giang để “nướng bánh đa Kế”. Hai vợ chồng, 4 nồi tráng bánh xung quanh, tráng một lúc hai tay khiến vợ chồng chị đạt kỷ lục tráng được 800-1.000 chiếc bánh mỗi ngày, cả làng Kế không ai theo được. Nghe đất Quảng Ninh dễ làm ăn, vợ chồng chị về mua được mảnh đất trũng P.Hà Khánh dựng nhà, xây bếp, đặt 4 cái bếp lò.

Những ngày đầu, bánh cong, vênh, vỡ vì nắng gió vùng biển gay gắt hơn làng Kế. Nhà có chiếc xe thồ, anh chị thay phiên nhau mang bánh ra các chợ Hạ Long, Cột 3, Cột 8, Hà Tu rao bán. Bánh ế, cả nhà ăn trừ cơm.

Nhưng tình thế cũng dần thay đổi sau 5 năm. Quán ăn, nhà hàng khắp Hạ Long, Cẩm Phả bắt đầu biết đến cơ sở đặt bánh với số lượng tăng vùn vụt. Hai vợ chồng làm không đủ, chị thuê thêm bà con hàng xóm làm cùng. Đầu tiên là 3 chị làm nghề nhặt than ở mỏ Hà Lầm, tiếp theo là 15 người đi chợ, bốc vác, chèo đò quanh khu vực P.Hà Khánh.

Giờ thì bánh đa xưởng chị Hoa đã được bán cả ở khu vực Yên Hưng, Uông Bí. Cao điểm vào dịp cuối năm, xưởng làm việc đến tận khuya, bánh tráng ra phải mượn cả sân nhà hàng xóm để phơi, từ đầu đến cuối xóm toàn bánh đa.

Nghe một quán bia hơi mách, làm thử bánh đa rán xem sao, chị và chồng mày mò làm “bánh đa phồng tôm”, món mới này hóa ra rất đắt khách, làm không kịp bán và trở thành mặt hàng chủ lực vào mùa hè.

Cuối năm 2012, chị Hoa đầu tư máy tráng bánh và xây lại nhà xưởng, tự mày mò nghề làm mỳ Chũ (H.Lục Ngạn, Bắc Giang), thiết kế bao bì đẹp như các sản phẩm chuyên nghiệp. Nhân công được chia thành các tổ riêng biệt, phụ trách phơi, rán, nướng bánh, thu nhập trung bình 3 triệu đồng mỗi tháng, được thăm hỏi khi đau ốm, lễ tết có quà. Kiến thức học được trong Trường đại học Kinh tế quốc dân được bà chủ vận dụng tính toán đâu ra đấy. Cả khu 2, P.Hà Khánh hầu như nhà nào cũng từng có người làm cho xưởng bánh, ít nhất là 3 tháng hè, nhiều nhất là 10 năm.

Tuy nhiên, công việc tưởng nhưng đơn giản song lại cần sự khéo léo, cần mẫn, chính vì vậy, đến nay xưởng chỉ còn 10 nhân công yêu nghề nhất.

Bà Nguyễn Thị Đào, Chủ tịch hội phụ nữ P.Hà Khánh cho hay: cơ sở của gia đình chị Hoa chưa hoạt động hết công suất. Nếu được các tổ chức xã hội quan tâm, phối hợp cùng cơ sở mở các lớp đào tạo nghề cho chị em, xây dựng nơi đây thành một xưởng bánh đa quy mô, chuyên nghiệp hơn, vấn đề việc làm cho phụ nữ địa phương sẽ được giải quyết.

Thúy Hằng

>> Bánh đa kê
>> Bánh đa cá rô
>> Bánh đa cua Hải Phòng
>> Chưa Tết Trung thu, bánh đã “đại hạ giá”
>> Phát hiện 58 bánh heroin giấu trong bánh đa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.