Ách tắc dự án công, luật có phải 'tội đồ'?

29/05/2019 07:27 GMT+7

Thảo luận luật Đầu tư công sửa đổi ngày 28.5, nhiều đại biểu cho rằng tắc dự án là do triển khai chậm, ì ạch từ khâu đấu thầu, giải phóng mặt bằng, đến hồ sơ...

Nâng vốn dự án trọng điểm, Quốc hội sẽ quyết gì ?

Nói luật đầu tư công là một “tội đồ” dẫn đến cản trở những hoạt động hiện nay, làm ách tắc những vấn đề hiện nay liên quan đến đầu tư công không giải quyết được. Tôi cho rằng việc này cần xem xét một cách thấu đáo, nếu không Quốc hội sẽ trở thành cơ quan gây khó khăn
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên)
Luật Đầu tư công sửa đổi đã được thảo luận tại kỳ họp trước. Theo báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên thảo luận sáng 28.5 thì tới nay, ít nhất 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Thứ nhất, về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C được quy định từ điều 7 đến điều 10 của dự thảo luật. Nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của luật hiện hành. Tuy nhiên, Chính phủ và một số ĐB đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỉ lên 20.000 tỉ đồng, mức vốn dự án nhóm A, B, C tăng lên tương ứng để phù hợp với thực tiễn.
Góp ý cho dự thảo luật tại hội trường, hầu hết các ĐB đều không đồng tình phương án nâng tổng mức vốn dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỉ đồng. ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng thực tế không có những biến động theo luật để điều chỉnh. “Mức vốn 10.000 tỉ đồng không bất cập. QH khóa 13 và 14 chỉ có 2 dự án trình QH. Một quốc gia đang phát triển mà 10 năm chỉ có 2 dự án quan trọng là quá ít, điều chỉnh tăng lên 20.000 tỉ đồng có thể không còn dự án nào để trình QH nữa”, ông Hàm phân tích và khẳng định nếu điều chỉnh như vậy, QH vốn quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà lại không được quyết dự án nào là bất hợp lý.
ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) thậm chí còn cho rằng có sự nhầm lẫn giữa trình tự triển khai, quy mô dự án mới đề xuất nâng mức phân loại dự án đầu tư. Bởi qua giám sát của Ủy ban Kinh tế và QH, cả 2 nhiệm kỳ QH phê duyệt 2 dự án không vướng gì. Cho nên lý do đưa ra để nâng mức do tiền thấp quá, không duyệt được, không tiêu được là không phải.
Theo ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên), nhiều ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây cho rằng chính luật đầu tư công là “tội đồ” dẫn đến cản trở, làm ách tắc hoạt động đầu tư công hiện nay là không thỏa đáng, khiến bà cảm thấy chạnh lòng. “Như ĐB Xuyền (tức Bùi Văn Xuyền - Thái Bình) nói luật đầu tư công là một "tội đồ" dẫn đến cản trở những hoạt động hiện nay, làm ách tắc những vấn đề hiện nay liên quan đến đầu tư công không giải quyết được. Tôi cho rằng việc này cần xem xét một cách thấu đáo, nếu không QH sẽ trở thành cơ quan gây khó khăn”, ĐB Dung nói.

Chính phủ muốn QH “nhẹ gánh” hơn !

Một vấn đề khác mà báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH cho rằng còn nhiều ý kiến khác nhau về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn. UBTVQH đưa ra 2 phương án: Phương án 1, quy định QH quyết định bao gồm: tổng mức vốn, danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công... Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, QH có thể giao UBTVQH xem xét, quyết định và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất. Phương án 2, QH quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được QH thông qua.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) băn khoăn việc trình QH làm chậm tiến độ dự án, bởi qua giám sát thực tế cũng như qua báo cáo của Chính phủ cho thấy nguyên nhân giải ngân chậm của một số dự án chậm tiến độ là do tổ chức thực hiện, triển khai giải phóng mặt bằng chậm và năng lực nhà thầu hạn chế. “Nếu QH không quyết định danh mục dự án là bước lùi cho phân bổ ngân sách. Trong lịch sử QH những năm gần đây, việc phân bổ kế hoạch đầu tư công, giao vốn cho dự án được QH và UBTVQH thực hiện nên bây giờ không nên tạo ra một tiền lệ khác”, ĐB Mai nhận định.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đồng ý thẩm quyền này thuộc về QH, bởi QH là cơ quan quyền lực cao nhất quyết định tất cả những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có vấn đề ngân sách, đầu tư. Tuy nhiên, nếu QH vẫn quyết định, phê duyệt và giao kế hoạch ngân sách cho từng dự án theo ngân sách hằng năm, trong khi nhiệm kỳ vừa rồi có tới 9.600 dự án là khối lượng rất khổng lồ. “Mỗi một dự án, nếu chúng ta chỉ cần điều chỉnh 3, 4, 5 lần thì nhân gần 10.000 dự án lên sẽ như thế nào? Tôi hình dung nếu QH làm việc này thì rất nặng nề. Cho nên chúng tôi muốn việc đó giao cho Chính phủ thực hiện và Chính phủ phải làm, Chính phủ phải chịu trách nhiệm. QH vẫn phải đảm bảo quyền năng của mình là cơ quan quyết định cao nhất, quyết định tổng mức đầu tư của 5 năm đó bao nhiêu, cơ cấu đầu tư thế nào; ngành nào, địa phương nào, vùng, miền nào, tiêu chí, nguyên tắc ra sao, sau đó giám sát”, ông Dũng nói.

Quy định chặt chẽ hơn đối tượng tạm hoãn xuất cảnh

Chiều 28.5, trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án luật xuất nhập cảnh của công dân VN, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng một trong những điểm mới của dự luật lần này là quy định chặt chẽ hơn về đối tượng, thẩm quyền, thời hạn tạm hoãn xuất nhập cảnh. Theo đó, các trường hợp bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ; trường hợp tòa án đã có quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc quyết định dẫn độ đã có hiệu lực pháp luật và có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn hoặc gây khó khăn, cản trở việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ, sẽ được bổ sung vào đối tượng tạm hoãn xuất nhập cảnh.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, dự thảo luật cũng quy định rõ thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh của “thủ trưởng cơ quan quản lý thuế đối với trường hợp đang có nghĩa vụ nộp thuế” để đảm bảo phù hợp luật Quản lý thuế; bỏ quy định thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đối với các trường hợp có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với luật Xử lý vi phạm hành chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.