16 năm tư vấn mùa thi: Có được xét tuyển cùng lúc 2 trường ?

30/12/2014 05:11 GMT+7

Trong buổi Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức tại Trường THPT Long Trường sáng 29.12, nhiều học sinh đặt câu hỏi liên quan đến những quy định xét tuyển.

Trong buổi Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức tại Trường THPT Long Trường sáng 29.12, nhiều học sinh đặt câu hỏi liên quan đến những quy định xét tuyển.

16 năm tư vấn mùa thi: Có được xét tuyển cùng lúc 2 trường ?
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trả lời thắc mắc của học sinh Trường THPT Long Trường ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Không thi, có vào được ĐH ?
Ngay đầu chương trình, một học sinh (HS) đã đặt câu hỏi nhiều người quan tâm: có thể nộp hồ sơ và trúng tuyển cùng lúc 2 ngành ở 2 trường ĐH khác nhau? PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết dự thảo quy chế năm nay chỉ cho phép thí sinh trúng tuyển vào một trường trong năm đầu. Một khi thí sinh đã trúng tuyển sẽ không còn quyền tham gia xét tuyển ở nguyện vọng tiếp theo.
Liên quan đến số lần nguyện vọng, HS Lê Vinh Trung (lớp 12A2) băn khoăn: “Mỗi HS nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển, em có thể nộp cùng lúc 2 giấy trong cùng một đợt vào 2 trường khác nhau không?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, giải đáp rất cặn kẽ: “Theo dự thảo quy chế, mỗi thí sinh trong một đợt xét tuyển chỉ được sử dụng một giấy chứng nhận vào một trường và được đăng ký tối đa 4 ngành vào trường đó theo thứ tự ưu tiên. Nếu trong đợt xét tuyển đầu tiên, TS đã trúng tuyển một trường sẽ không được nộp đơn xét tuyển vào trường khác”.
“Có con đường nào để vào thẳng ĐH mà không phải thi” là thắc mắc của Phan Nguyễn Thị Quỳnh, HS lớp 11. Tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trả lời nhanh: “Với điều kiện tuyển sinh hiện nay, HS có thể vào ĐH thông qua xét tuyển học bạ THPT hoặc chứng chỉ ngoại ngữ, tuy nhiên các em bắt buộc phải tốt nghiệp THPT. Chẳng hạn, theo đề án tuyển sinh riêng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ngành sư phạm tiếng Anh dành 20% xét tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên với điều kiện tốt nghiệp THPT”. Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết thêm: “Một số trường có tổ hợp xét tuyển là 3 môn bắt buộc để xét công nhận tốt nghiệp, có nghĩa chỉ cần thi tốt nghiệp và HS sử dụng kết quả này để xét tuyển vào ĐH”.
Những ngành sư phạm chỉ dành cho thí sinh học lực từ khá
Có khá nhiều câu hỏi liên quan đến Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Một HS hỏi có nên thi vào trường này nếu chỉ đạt điểm trung bình trong kỳ thi THPT quốc gia? PGS-TS Nguyễn Kim Hồng chia sẻ, có khoảng gần 60% số học sinh phổ thông có học lực khá sẽ có cơ hội trúng tuyển ĐH, CĐ. Tuy nhiên, riêng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phổ điểm trúng tuyển khá cao, đặc biệt một số ngành sư phạm như: toán, hóa, ngữ văn, tiếng Anh và vật lý nhiều năm nay điểm khá cao.
Giải đáp câu hỏi ngành sư phạm mầm non có đang là ngành khan hiếm nhu cầu nhân lực, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng khẳng định, thực tế hiện nay thiếu giáo viên mầm non, đặc biệt khi TP.HCM thực hiện đề án thí điểm giữ trẻ từ 6 tháng tuổi. Năm 2014 trường đã phải tăng chỉ tiêu ngành này thêm 30% so với các ngành khác nhưng điểm chuẩn khá cao (18,5 điểm). Cũng theo PGS-TS Hồng: “Mầm non là ngành vất vả nhất của nghề giáo vì sẽ phải làm việc quần quật từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, nếu yêu thích thật sự hãy chọn ngành này”.
Một HS lớp 12A5 lo lắng: “Em nghe nói nhóm ngành quản trị có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi cũng không thể xin được việc”. Theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cơ hội nghề nghiệp còn phụ thuộc vào năng lực học tập và kỹ năng nghề nghiệp cần có, đặc biệt là tiếng Anh.
Liên quan đến cơ hội việc làm ngành hải quan, tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính hải quan, thông tin: “Trong hệ thống đào tạo nước ta hiện nay không có ngành thuế và hải quan mà có các chuyên ngành thuộc các ngành: tài chính ngân hàng, kinh doanh quốc tế… Nhân lực ngành hải quan được tuyển dụng từ nhiều ngành: kế toán, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh… với 3/4 nhân sự dành cho người tốt nghiệp ĐH và 1/4 cho bậc CĐ”. Tuy nhiên, vẫn theo tiến sĩ Đạo, sau khi tốt nghiệp ĐH và CĐ các em phải tham dự kỳ thi tuyển dụng công chức vào ngành, sau đó được đào tạo 6 tháng chuyên môn nghiệp vụ để có thể làm tốt công việc của một công chức hải quan. Năm 2015 ngành sẽ tuyển dụng 300 biên chế.
Tại buổi tư vấn, Báo Thanh Niên đã trao tặng 5 suất học bổng Nguyễn Thái Bình cho những học sinh vượt khó học giỏi của Trường THPT Long Trường, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng.
Vào ngày 5.1.2015, chương trình sẽ tiếp tục tư vấn tại Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, H.Hóc Môn, TP.HCM. H.A
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.